Ngổn ngang kinh phí
Ông Nguyễn Ngọc Phi- Thứ trưởng Bộ LĐTBXH đưa ra hàng loạt số liệu cho thấy sự ì ạch khi thực hiện. Theo đó, 6 tháng đầu năm mới có 49 địa phương báo cáo dạy nghề cho 135.397 lao động, so với kế hoạch của 49 địa phương (476.164 người) mới chỉ đạt 28,4%. Một số tỉnh mới chỉ đạt 3-5% kế hoạch đào tạo.
Dạy nghề đúc đồng cho lao động ở Nam Định. |
“Báo cáo chung của các tỉnh cũng cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ không đạt, trong đó kế hoạch chính dạy nghề cho 500.000 lao động nông thôn và bồi dưỡng 100.000 cán bộ cấp xã có nhiều khả năng không thực hiện được”- ông Phi nhấn mạnh.
Theo lý giải của Bộ LĐTBXH, thực trạng này bắt nguồn từ việc quá chậm trễ trong việc phân bổ kinh phí đào tạo. Cụ thể, tính theo mốc thời gian, ngày 29.4.2012 Thủ tướng Chính phủ mới có Quyết định giao dự toán ngân sách. Tới ngày 7.5.2012, Bộ LĐTBXH có văn bản hướng dẫn các chỉ tiêu, nhiệm vụ cho công tác dạy nghề và tới ngày 18.6.2012, Bộ Tài chính mới có hướng dẫn về việc dự toán, sử dụng kinh phí, trong đó có việc ban hành Thông tư 128 sửa đổi một số điều trong Thông tư 112, hướng dẫn việc thực hiện tài chính theo Đề án 1956. Nhiều tỉnh còn lo ngại, Thông tư 117 của Bộ Tài chính không cho chuyển nguồn từ năm trước sang năm sau, với 4 tháng còn lại, rất khó có thể giải ngân hết số tiền đã được bố trí để dạy nghề cho nông dân.
Ông Cao Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nêu thêm lo ngại khác: “Khó khăn nhất là các lớp thực hiện theo Chương trình thí điểm thẻ học nghề. Theo điều chỉnh mới thì toàn bộ kinh phí thực hiện được chuyển từ Sở LĐTBXH sang Sở NNPTNT thực hiện, nhưng Thông tư 66 lại không theo kịp thực tế này (vẫn do Sở LĐTBXH chủ trì). Nếu chờ sửa thông tư thì chắc chắn năm 2012 không thể tổ chức mở lớp được”- ông Trọng nói.
Hiện Bến Tre đã có sẵn sàng trong túi hơn 2 tỷ đồng để dạy nghề cho nông dân theo chương trình cấp thẻ học nghề và ông Trọng đã phải đề xuất với Chính phủ giữ nguyên cơ chế cũ để kịp giải ngân. “Nếu không, nông dân muốn học nghề thì không được học, trong khi tiền đã cấp lại không thể sử dụng”- ông Trọng nói.
Không dạy nghề nếu không gắn với việc làm
Trước những thông tin nghi ngờ về số liệu “lao động có việc làm sau đào tạo” theo đề án, trong năm 2012, các tỉnh đã có những phân tích cụ thể hơn về tỷ lệ việc làm. Cụ thể, trong năm 2012 có 91.486 người đã học xong, tỷ lệ có việc làm đạt 82%, số được doanh nghiệp tuyển dụng là 14.656 người, đạt 19,5%, còn số tự tạo việc làm, học xong làm nghề nông nghiệp chiếm tới 54%, còn lại là tạo việc làm bằng các hình thức khác. Như vậy, tỷ lệ có việc làm đã được đưa ra tường minh hơn.
Tuy nhiên, tính theo tỷ lệ việc làm thì số học nghề nông rồi lại tiếp tục làm nông nghiệp vẫn khá lớn. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ cho nông dân đạt hiệu quả cao hơn trong sản xuất nông nghiệp sau học nghề vẫn còn rất mờ nhạt. Số liệu có thể đánh giá rõ ràng nhất là việc hỗ trợ vốn vay sau đào tạo- là một nội dung rất quan trọng trong Đề án 1956 – thì ông Nguyễn Ngọc Phi dẫn số liệu: Mới chỉ có 2.215 hộ được vay với tổng vốn 18,6 tỷ đồng. “Con số này còn rất thấp so với nhu cầu của lao động”- ông Phi nói.
Thực tế tới thời điểm này mới đạt 28,4% kế hoạch, theo đánh giá của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là “rất đáng lo ngại” và yêu cầu Bộ LĐTBXH gửi ngay công văn đốc thúc các tỉnh triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu: “Các tỉnh cần xác định biện pháp để vừa tăng tốc chương trình, vừa đảm bảo mục tiêu chất lượng, không tổ chức dạy và học cho lao động khi không dự báo được nơi làm và mức thu nhập hợp lý”. Về kinh phí, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính làm rõ và hướng dẫn luôn cho các tỉnh thực hiện.
Hiện 2 tỉnh dẫn đầu cả nước về việc đạt tiêu chí dạy nghề là Hậu Giang và Đồng Nai đã đạt được 73% kế hoạch năm và đều thực hiện theo định hướng dạy nghề gắn với doanh nghiệp, lấy cấp huyện làm hạt nhân. Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh nghiên cứu mô hình thành công của 2 tỉnh này.
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam:
Hàng năm, Ngân hàng chính sách bố trí khoảng 7.000 tỷ đồng cho vay sinh viên, 17 tỷ đồng thực hiện cho vay sau đào tạo theo chương trình này là cực kỳ nhỏ so với tổng nguồn vốn. Tôi đã kiểm tra nguyên nhân, một là do bà con học thời gian quá ngắn, có nhiều hỗ trợ khác nên không vay. Ngoài ra còn có nguyên nhân khác là ở các tỉnh bà con còn ngộ nhận là chỉ có người nghèo mới được vay, trong khi đó theo chính sách bất cứ ai học xong cũng đều có thể tiếp cận nguồn vốn này.
Ông Nguyễn Đăng Khoa - Thứ trưởng Bộ NNPTNT:
Nguồn lực tài chính theo đề án này có hạn, không thể rải hết ra các xã, Bộ NNPTNT thống nhất đào tạo nghề cho các xã đang phấn đấu đạt mục tiêu nông thôn mới tới năm 2015 với tổng cộng là 3.276 xã. Nếu chỉ mở lớp dạy cho hết tiền thì sẽ không hiệu quả mà phải gắn kết với nhu cầu học của nông dân, phải lấy thực hành là chính, giúp người học tiếp cận từ những điểm trình diễn. Nông dân miệng nói tay làm, không dạy lý thuyết nhiều.
Ông Hà Tấn San - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Phú Thọ:
Sau đào tạo, các điều kiện làm việc của nông dân không thay đổi: Muốn tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả thì ngoài cho vay vốn, phải đi kèm việc đầu tư về thủy lợi, giao thông nội đồng, tạo thị trường giao dịch nông sản…Tuy nhiên, những hoạt động này thường không đồng bộ nên khó có sự thay đổi về hiệu quả kinh tế.
Lê Huyền