Giấy khai sinh… quý hơn 1 tỷ đồng
Năm 2002, bà Bình từ Hà Nam ra Hà Nội ở cùng con gái út là chị Nguyễn Thị Nhàn và trọ ở quận Long Biên. Để có thêm thu nhập đỡ đần con gái, bà Bình nhận mấy đứa trẻ hàng xóm trông nom. Mẹ của bé H. H. T đã tìm đến nhờ bà Bình trông con cả ngày lẫn đêm từ năm 2004.
Bé H. T từ lớp 1 lên lớp 3 đều là học sinh giỏi. |
Năm đầu tiên, mỗi tháng mẹ cháu T đưa bà 800 nghìn đồng cả tiền ăn, trả đầy đủ. Sau đó không thấy chị ta đến nữa. Bà Bình đoán: “Có thể hai vợ chồng đi nước ngoài gấp không kịp báo, sau ổn định sẽ quay lại đón con. Mà biết đâu đi đường bị tai nạn chẳng còn kịp thông báo về…”.
Hy vọng một ngày mẹ của T về đón, bà Bình đành nhờ người thân mỗi người vài chục ngàn đồng để có tiền nuôi T. Thời gian thấm thoắt trôi, năm cháu T đi học mẫu giáo rồi vào lớp 1 cũng là lúc khó khăn nhất đối với bà Bình bởi đúng lúc đó mấy đứa trẻ bà trông cũng đi học mẫu giáo, chẳng có ai nhờ trông trẻ nên không có thu nhập.
Để có tiền mua sách vở cho T, bà phải bán 1 chỉ vàng dành dụm được. Suốt cả một năm đó, bà phải tiết kiệm tới mức tối đa, đi mua thịt cho bé ăn, bà phải xin thêm những chỗ thịt thừa và bì để mình ăn.
“Tiền có túng còn cố được, nhưng cái khó khăn nhất là cháu chẳng có giấy khai sinh để được đi học. Khi tôi lên xã hỏi, người ta hỏi tại sao nuôi một đứa trẻ lâu thế không khai báo. Tôi lại phải giải thích là tưởng mẹ cháu gửi rồi sẽ quay về đón. Rồi người ta lại nói phải đăng thông tin lên Đài Tiếng nói Việt Nam, nếu sau 1 tháng không ai nhận mới làm được giấy khai sinh. Nhưng hỏi kỹ mới biết, để đăng thông tin mất tới 5 triệu đồng thì tôi lấy đâu ra tiền” - bà Bình kể.
Khi biết hoàn cảnh của bà Bình, bà Tú Anh - cán bộ Tư pháp quận Long Biên đã hỏi: “Thế hiện tại bà cần cái gì nhất?”. “Các cô, các chú thỉnh thoảng cũng tới cho tôi ít tiền để nuôi cháu. Tiền dù quý nhưng bảo tôi chọn giữa 1 tỷ đồng và tờ giấy khai sinh cho cháu thì tôi vẫn chọn cái giấy khai sinh, để cháu chính thức trở thành công dân hợp pháp, được học hành” - bà Bình nói.
Thấy được sự cấp thiết là giấy khai sinh cho T, Phòng Tư pháp Long Biên đã thành lập một ban riêng để giúp bà Bình làm giấy khai sinh cho T nhưng tên bố mẹ thì vẫn để trống.
Mơ ước có xe đạp để đi học
Với mức thu nhập từ trông trẻ mỗi tháng được 2 triệu đồng, chi phí thuê nhà và điện nước mất 700 nghìn đồng, từ tháng 9.2011, tiền hỗ trợ của tổ chức nước ngoài cũng hết nên bà Bình chưa thực hiện được lời hứa thưởng cho T mỗi điểm 10 là 10 nghìn đồng. “Cháu tích tiền thưởng của bà để nuôi con lợn đất, cuối năm sẽ mổ lợn mua xe đạp đi học” - T tâm sự.
Bà Đặng Thị Bình
Bà Bình năm nay mới gần 60 tuổi nhưng do cuộc sống kham khổ nên nhìn bà già hơn tuổi rất nhiều. Khi chúng tôi hỏi tại sao bà không để T vào Trung tâm Bảo trợ cho Nhà nước nuôi, bà cho biết: “Cứ vắng tôi vào buổi tối là cháu lại khóc. Từ lúc cháu ở với tôi mới có 5 tháng tuổi, đến bây giờ đã là 8 năm, tình thân còn hơn ruột thịt. Tôi đã tự hứa khi nào không đủ sức nuôi cháu nữa có thể tôi sẽ bàn giao lại cho con gái chứ không để cháu vào Trung tâm Bảo trợ. Ở đó có thể cuộc sống tốt hơn nhưng thiếu đi tình thương yêu” - bà Bình nói.
Từ lúc mẹ T bỏ đi, bà Bình cũng có vài lần đi tìm nhưng mẹ của T luôn tìm mọi cách để tránh mặt. “Gần nhà tôi có một cô bé làm cùng với mẹ của T ở một nhà hàng thuộc địa bàn Từ Sơn (Bắc Ninh) chỉ cho tôi tới nhà bà Gái (người nhận mẹ của T là con nuôi), bà Gái hứa khi nào mẹ cháu quay về sẽ gọi điện ngay cho tôi. Tuy nhiên, từ đó tới nay chẳng thấy bà Gái gọi điện lại” - bà Bình nói.
Theo bà Bình, bà đã nói dối bà là bà ngoại của T, mẹ T đi nước ngoài rồi sẽ trở về: “Tuy nhiên, gần đây cháu đã biết sự thật và rất buồn, tôi đang phải tìm cách để động viên cháu vượt qua cú sốc này”.
Phi Long