Cận cảnh quy trình chế biến món cá chỉ vàng.
Tuy cá tép dầu vốn có ở Quỳnh Nhai và là món ăn truyền thống. Nhưng từ khi thủy điện Sơn La được xây dựng và tích nước, số lượng cá tép dầu sinh sống tại khu vực lòng hồ sông Đà đã sinh sôi nảy nở,tăng lên gấp bội.Nhờ thế mà nghề làm cá tép dầu khô hàng hóa ra đời.
Bà con bản Huổi Cuổi đang thao tác mổ tép dầu sông đà
Bằng đôi bàn tay khéo léo và kinh nghiệm chế biến món ăn từ tép dầu của người dân nơi đây, bạn sẽ được thưởng thức món ngon khó cưỡng. Trước hết, bà con ngâm cá vào chậu với nước sạch để rửa qua, sau đó vớt ra một cái rổ lớn để đợi cho cá ráo nước.
Chị Lò Thị Mây bản Huội Cuổi, xã Chiềng Bằng cho hay: “Để chế biến cá tép dầu này thì bắt buộc phải dùng dao nhỏ, sắc; đòi hỏi phải khéo léo, kiên trì, vì loại cá tép dầu này vừa bé vừa trơn nên khi mổ lấy ruột ra rất khó. Bình thường thì người ta mổ ruột cá ở bụng, nhưng với cá tép dầu này thì phải mổ ở lưng cá, để khi phơi khô không bị xấu mà nó dễ khô hơn”.
Cô Mè Thị Toàn đang phơi cá tép dầu trên dàn phơi bằng tre
Đôi bàn tay của chị Mây mổ cá thoăn thoắt như một môn nghệ thuật xiếc,vừa làm, chị vừa giải thích: Khi mổ xong cá xong thì phải chặt đầu, chặt đuôi cá, chỉ giữ lại phần nạc nhất. Sau đó lấy gia vị đã được chuẩn bị từ trước như: muối, tương ớt, sa tế,đường và bột nghệ rắc đều vào cá; đảo đều cho gia vị ngấm khoảng hơn 15 phút. Bước cuối cùng là đem cá phơi trên những dàn phơi bằng tre hoặc bằng nứaở nơi có ánh nắng mặt trời thoáng đãng.
Thời gian phơi khô cá kéo dài từ 3-4 ngày, tùy thuộc vào thời tiết và nhiệt độ ngoài trời. Ánh nắng mặt trời quyện cùng những thứ gia vị sẽ làm cho thịt cá tép dầu đẹp hơn, tươi hơn, thơm và ngọt, dai và giòn hơn so với cách chế biến đơn giản.Tép dầu khô – món ăn ngon và quà quý của Quỳnh Nhai.
Người dân đang phơi cá tép dầu trên dàn phơi bằng tre
Sau khi phơi khô bà con bắt đầuđóng gói sản phẩm thành từng túi với trọng lượng khác nhau để tiện đáp ứng nhu cầu của khách. Mỗi 1kg bánra thị trường với giá 200 nghìn đồng.
Chế biến cá tép dầu thành hàng hóa là một nghề mới ở Quỳnh Nhai kể từ khi lòng hồ thủy điện Sơn La tích nước. Loại sản phẩm này đã mang lại thu nhập cao và việc làm ổn định những hộ tham gia đánh bắt và chế biến cá tép dầu.Theo bà Lò Thị Lanh ở bản Huổi Cuổi thì mỗi tháng bà thu nhập từ bán cá tép dầu đã sơ chế đạt trên 5 triệu đồng.
Chị Lò Thị Mây đang miệt mài mổ cá trên bàn
Sản phẩm cá tép dầu ở huyện Quỳnh Nhai ngày càng được đông đảo khách hàng nhiều tỉnh thành trên cả nước biết đến và được tiêu thụ với số lượng lớn trong thời gian vừa qua. Ông Ngần Văn Đưa, Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng cho biết:Quy trình chế biến cá tép dầu ở Quỳnh Nhai hoàn toàn không dùng hóa chất, phẩm màu,… cá được phơi nắng tự nhiên. Hương vị thơm ngon đặc trưng của cá tép dầu sông Đà cùng cách chế biến rất riêng của bà con Quỳnh Nhai đã đưa cá tép dầu khô trở thành món ăn đặc sản của vùng Tây Bắc. Lâu nay cá tép dầu khô là món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ tết, đồng thời cũng là món quà biếu tặng rất ý nghĩa.
Chị Lò Thị Mây đang miệt mài mổ cá trên bàn
Không chỉ thơm ngon đặc trưng, cá tép dầu khô Quỳnh Nhai còn đảm bảo yếu tố “sạch” – một tiêu chí hàng đầu với người tiêu dùng hiện nay. Vào những ngày hè nóng bức như thế này, trên các quán sá đông đúc ở thành phố Sơn La, dễ dàng bắt gặp những nhóm nhậu, những cuộc liên hoan có tới cả chục thực khách cùng nhau nhâm nhi cá tép dầu sông Đà(nướng hoặc rán như cá chỉ vàng, mực khô) bên những vại bia sóng sánh bọt trắng.
Cô Mè Thị Toàn, bản Huổi Cuổi, xã Chiềng Bằng, đang chăm chú bóp gia vị cá tép dầu đựng trong chậu.