Cuộc sống ở biên giới Triều Tiên -Trung Quốc
Lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đang khiến cuộc sống của người dân Triều Tiên ở gần biên giới với Trung Quốc thấm đòn. Kể từ khi Trung Quốc thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc, ngừng nhập khẩu than và siết chặt giao thương với Triều Tiên, các thương lái Trung Quốc là người trước tiên bị ảnh hưởng.
Theo báo SCMP, Giáo sư Cheng Xiaohe, một nhà nghiên cứu quan hệ Trung - Triều tại Đại học Renmin nhận định: “Trung Quốc đã không còn lựa chọn nào khác để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên ngoài trừng phạt kinh tế khắc nghiệt hơn”.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trước đó sau các cuộc đàm phán và tiếp xúc Mỹ - Trung cũng đã tuyên bố “hai nước nhất trí không để các công ty của mình làm ăn với các thực thể Triều Tiên bị Liên Hợp Quốc cấm”.
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Hamburg, Đức, các quốc gia gồm Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc cũng đã nhất trí hối thúc Trung Quốc thể hiện vai trò lớn hơn nữa trong vấn đề này.
Ngày 10.7, nguồn tin từ các quan chức ngoại giao cấp cao thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ((HĐBA LHQ) cho biết Mỹ sẽ đề xuất tiến hành một cuộc bỏ phiếu để thông qua nghị quyết mới của LHQ với nội dung áp đặt những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn đối với Triều Tiên trong vài tuần tới. Với tư cách là một ủy viên thường trực HĐBA, Mỹ có thể thúc đẩy việc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Bình Nhưỡng.
Nhưng hiện không rõ liệu Nga - một ủy viên thường trực khác trong HĐBA - có ủng hộ đề xuất này hay không. Tuần trước, HĐBA đã thất bại trong việc thông qua một thông cáo lên án vụ phóng của Triều Tiên do vấp phải sự phản đối của Nga với lập luận rằng vật thể được phóng lên là một tên lửa tầm trung.
Liên quan vấn đề này, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng cho biết quốc gia này và các đồng minh quốc tế sẽ thúc giục Nga hành động mạnh mẽ hơn để kiềm chế các tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Nhận định vai trò quan trọng của Nga trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên, Tokyo sẽ cùng các đồng minh khác khuyến khích Nga thể hiện vai trò lớn hơn trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, Ngày 4.7, Triều Tiên chính thức thông báo đã phóng thử thành công ICBM dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, đồng thời cảnh báo rằng loại tên lửa này có thể tấn công bất cứ đâu trên thế giới. Đây là vụ phóng tên lửa thứ 10 của Triều Tiên trong năm nay và là lần đầu tiên Bình Nhưỡng tiến hành phóng thử ICBM, vũ khí nguy hiểm được cho là thiết kế để tấn công lãnh thổ Mỹ trên đất liền.