Theo thạc sĩ Thạch, “thủy điện ăn theo” là loại thủy điện không cần hồ chứa, chỉ cần xây đập dâng, hoàn toàn tùy thuộc vào thiên nhiên. Nước lớn thì phát điện, nhỏ coi như “bó tay”. Một số nhà máy không ăn theo thủy điện lớn (sử dụng nước từ thủy điện lớn xả ra”, dần dần không hiệu quả. Sau đó, người ta bắt đầu nghĩ cách là xây nhà máy thủy điện nhỏ (trung bình từ 15 – 30MW), dưới nhà máy có công suất lớn để hưởng lợi nguồn nước mà các nhà máy lớn đã xả xuống.
Người dân vùng thủy điện Sông Tranh 2 khốn khổ vì thủy điện xả lũ. Ảnh: T.H
Ví dụ, tại Quảng Nam lúc đầu chỉ có thủy điện Đăk mi 4 và Đăk mi 1, nhưng ngay sau đó Đăk mi 1 xẻ thành 3 dự án là Đăk mi 1, 2, 3; hoặc sông Bung 2, ngay phía dưới có sông Bung 4. Hoặc dưới A Vương có sông Bung 5. Còn rất nhiều những dự án nhỏ khác, như sông Côn 2, Za Hung, An Điềm, Tr/Hy… đã và đang mọc lên. Công suất phát điện theo công thức N = KQH, trong đó K (hệ số máy, tuốc bin, chuyển động), Q (lưu lượng phát điện) và H (chiều cao cột nước phát điện). Như vậy, các thủy điện nhỏ phải dựa vào hệ số Q của nhà máy thủy điện lớn.
Ông Thạch phân tích thêm, làm thủy điện, kể cả vừa và nhỏ có thể vốn ban đầu hơi cao, khi 1MW phải tiêu tốn 20 – 25 tỷ đồng (riêng sông Bung 2 là 37 tỷ đồng/1MW), nhưng bù lại chi phí vận hành thấp, chỉ khoảng 0,3 – 0,5% tổng thu. Thiết bị cũng không phải loại hiện đại của Nhật hay Mỹ mà đa phần mua của Trung Quốc. Chưa hết, mỗi nhà máy thủy điện được giao diện tích đất rừng khá lớn, như Sông Tranh 2 được giao khai thác và bảo vệ tới 1.100km2. Dĩ nhiên, rừng ở đó có nhiều gỗ với không ít loại gỗ quý, ngoài ra là đá, cát… “Phải lưu ý rằng, nguyên vật liệu xây dựng chiếm đến 30% trong tổng chi phí đầu tư, mà những thứ đó có sẵn từ rừng” - ông Thạch nói.
Với những lập luận trên, thạc sĩ Thạch cho rằng, cần phải tái lập ngay Ban quản lý lưu vực sống Vu Gia – Thu Bồn, tập trung các chuyên gia, nhà khoa học… để họ đủ phản biện, thẩm định trước khi cấp phép dự án thủy điện.