Vào tháng 6 năm 2003, Châu Tinh Trì đã trả lời phỏng vấn với tạp chí Công phu - Khí công (phiên bản điện tử là kungfumagazine.com) sau thành công của bộ phim Đội bóng Thiếu Lâm. Trong bài phỏng vấn này, phóng viên đã đặt một câu hỏi rằng: “Mặc dù khán giả Hồng Kông biết rõ niềm đam mê của anh với Lý Tiểu Long và võ thuật Trung Quốc nhưng tôi nghĩ rằng không có nhiều người phương Tây biết về sở thích cá nhân của anh và nền tảng võ thuật của anh. Tôi cũng nghĩ rằng chỉ một số ít người biết anh từng học với bậc thầy Vịnh Xuân nổi tiếng Hoàng Thuần Lương. Anh có thể vui lòng chia sẻ một chút về thời gian học võ và mối quan hệ của anh với sư phụ Hoàng không?
Châu Tinh Trì đã trả lời rằng: Thực ra, thời gian tôi học Vịnh Xuân chính thức chỉ có 3 tháng. Lúc đó tôi vẫn đi học. Tôi cũng chưa đi làm toàn thời gian nên không thu nhập thêm được bao nhiêu. Tôi đã dùng số tiền tôi kiếm thêm được từ công việc bán thời gian và những việc làm trong dịp hè để trả học phí cho 3 tháng học võ. Sau 3 tháng, tôi hết tiền nên tôi đã phải nghỉ.
Vì sự hâm mộ của tôi đối với Lý Tiểu Long, tôi đã biết rằng sư phụ Hoàng là sư huynh võ thuật của Lý Tiểu Long và Vịnh Xuân là phương pháp mà Lý Tiểu Long đã luyện tập chính thức. Tôi cũng khá thích các khái niệm và nguyên tắc của Vịnh Xuân. Nó khá logic và hiệu quả. Vì thế tôi đã cố gắng để học Vịnh Xuân. Mặc dù chuyện đó đã là nhiều năm trước, tôi vẫn nhớ rất rõ 3 tháng đó.
Tôi vẫn nhớ sư phụ Hoàng đã dạy tôi bài quyền đầu tiên và những học hỏi của tôi với các sư huynh đệ. Ở đó tôi rất vui, 3 tháng đó là thời gian vô cùng hạnh phúc đối với tôi. Từ học Tiểu niệm đầu (bài quyền đầu tiên của Vịnh Xuân) đến học tri thủ (chi-sao). Tôi đã tiến bộ khá nhanh trong chi-sao. Có một vị sư huynh thường xuyên tập cùng với tôi. Anh ấy lạp thủ (lop-sau) cực kỳ nhanh. Đó là những thứ mà tôi không thể nào chống nổi. Sau hai tiếng “bụp” “bụp” là tôi dính đòn.
Tôi cũng nhớ sư phụ Hoàng, mặc dù lúc đó không còn trẻ, vẫn duy trì được phong độ. Sư phụ có một quả bóng treo lơ lửng giữa hai sợi dây cao su và sư phụ sẽ đánh vào nó mỗi khi ông đi qua. Khi quả bóng bị treo giữa hai sợ dây cao su, nó sẽ lắc lư lộn xộn khi bị đánh, nhưng ông có thể đánh trúng nó nhiều lần bằng tay và chân bất chấp các chuyển động lộn xộn và không thể đoán trước của quả bóng sau cú đánh đầu tiên. Sư phụ Hoàng sẽ lùi lại và đi về phía những học trò, sau đó, bất kể khi nào ông đi qua quả bóng, ông lại lặp lại những động tác đó.
Phóng viên hỏi sau khi học sư phụ Hoàng Thuần Lương, anh có còn liên lạc với ông nữa không, Châu Tinh Trì trả lời: “Tôi đã không thể giữ liên lạc với sư phụ. Lúc đó tôi còn trẻ và có nhiều mối quan tâm khác. Tôi học không tốt ở trường và tôi còn phải lo lắng về tương lai sau khi tốt nghiệp. Lúc đó, lựa chọn nghề nghiệp để theo là một ưu tiên hơn hết và tôi thực sự không có nhiều thời gian để tiếp tục học võ.
Một thời gian sau đó, sau khi tôi đi vào lĩnh vực phim ảnh, tôi có một lần gặp lại sư phụ Hoàng. Cả sư phụ và tôi đều được mời đến dự lễ khánh thành bức tượng Lý Tiểu Long ở Hồng Kông. Tôi đã rất vui khi sư phụ vẫn nhớ tôi.
Khi phóng viên đặt câu hỏi rằng: Ngoài Vịnh Xuân, tôi đã thấy anh phô diễn công phu của các phái khác trong phim của mình. Có vẻ như anh đã được học nhiều môn phái võ khác, vậy anh đã học thêm những môn nào? Châu Tinh Trì cho biết: Thực ra, kỹ năng võ thuật của tôi gần đây thực tế không như mức tôi mong muốn. Tất nhiên tính linh hoạt là bắt buộc. Nhìn chung chân tay là quan trọng cho những người làm công việc này. Tôi tin rằng nói chung sự linh hoạt thực sự là một trong những yêu cầu quan trọng nhất trong các công việc của tôi.
Vì công việc, tôi có nhu cầu phải duy trì sự linh hoạt dẻo dai và độ bền của hệ tim mạch. Vì vậy tôi thường chạy bộ và đạp xe. Sự tập trung tổng thể của tôi được đặt nhiều vào việc duy trì sự dẻo dai và khả năng chịu đựng của tim mạch hơn là võ thuật hay luyện tập nặng một mình.
Như vậy, những lời tự thuật của Châu Tinh Trì đã nói rõ rằng anh chỉ là một diễn viên hành động hài hước và anh cũng không đi sâu vào con đường võ thuật như nhiều người tưởng tượng.