Ngày 13.7, trao đổi với PV Dân Việt, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch (chủ sở hữu quán cà phê Botanic) cho biết: Ông sẵn sàng nhận chị Nguyễn Thị Kim Vân (24 tuổi, nhân viên phục vụ quán Botanic) vào Hải Thạch làm việc. Và ông đã chỉ đạo cho phụ trách quán Botanic liên hệ với chính quyền địa phương để thông báo, xử lý số tiền trên theo đúng luật định.
Tiếp nhận thông tin trên, chị Vân tỏ ra rất vui mừng: “Nếu được làm việc tại Hải Thạch thì quá tốt cho em. Hiện giờ, em cũng đang nhờ người liên hệ với cơ quan chức năng làm thủ tục tiếp nhận, để sớm trả lại đúng người đánh rơi số tiền trên”.
Chị Nguyễn Thị Kim Vân
Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Khả Thành - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên cho biết, pháp luật hiện hành quy định rõ trình tự, thủ tục cần phải thực hiện và căn cứ xác lập quyền sở hữu khi phát hiện tài sản do người khác đánh rơi.
Cụ thể, Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định: Trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.
Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 166 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Việc nhặt được tiền mà chủ sở hữu đã yêu cầu trả lại nhưng vẫn cố ý chiếm giữ là hành vi không phù hợp với quy định của pháp luật và có thể bị xem là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác. Còn Điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013 quy định: Hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng.
Điều 41, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng quy định về tội Chiếm giữ trái phép tài sản như sau: Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm (trường hợp tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng) do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Như Dân Việt đã thông tin, ngày 7.7, trong lúc phục vụ tại quán cà phê Botanic, chị Kim Vân đã nhặt được cục tiền 37,5 triệu đồng do khách đánh rơi. Sau đó, Vân đã báo cáo với quản lý quán, rồi chị tìm cách thông báo tìm người đến nhận lại. Trong khi chưa có ai đến nhận, Vân đã gửi số tiền trên vào ngân hàng để đảm bảo an toàn. Thế nhưng chị đã gặp không ít rắc rối.
Được biết, ngoài Công ty Hải Thạch, nhiều đơn vị, doanh nghiệp tại Phú Yên, TP.HCM và một số tỉnh phía Nam cũng đã bày tỏ ý định nhận chị Kim Vân về làm việc. Riêng Vân cho hay, ngày 13.7, chị vẫn đi làm việc bình thường tại quán cà phê Botanic.