Đưa cướp biển về nhà
Thuyền phó 3 Ngô Văn Trung (ở huyện An Lão, TP.Hải Phòng) kể, việc đàm phán của người trung gian với cướp biển như thế nào thì thủy thủ đoàn không được biết, nhưng trong bản ký kết giữa hai bên có điều khoản là trước khi giao tiền, người trung gian phải được nhìn thấy thuyền viên còn sống và quân số đầy đủ.
Anh Đỗ Quốc Quân đã đoàn tụ gia đình và vẫn sẽ theo nghề thủy thủ. |
Sáng 16.9, anh Trung và 21 đồng nghiệp được bọn cướp dẫn lên boong tàu bắt xếp hàng, riêng Thuyền trưởng Thắng bị giữ lại trong khoang lái. Các thủy thủ thấy có một chiếc máy bay lượn trên đầu 2 vòng, mọi người đoán người trên máy bay đang đếm số thủy thủ. Sau đó, chiếc máy bay này thả xuống một thùng tiền, bọn cướp biển đã dùng xuồng cao tốc phóng ra vớt lên.
Anh Trung nói: “Lúc này, anh em thuỷ thủ đoàn cũng rất là lo bởi không biết được bọn cướp sau khi nhận tiền có giữ đúng lời hứa hay không? Vì tiền đã nhận rồi, nếu chúng nuốt lời thì mình cũng đành chịu, hơn nữa theo sự chỉ đạo của công ty thì khi cướp biển đã có tiền chuộc, chúng tôi phải hạn chế tiếp xúc với chúng, đề phòng chúng hiểu lầm mình mà ra tay sát hại...”.
Theo quy định đã ký kết thì sau khi nhận được tiền 12 tiếng, cướp biển phải rời tàu, nhưng đã quá thời gian quy định 1 ngày thế mà bọn cướp vẫn án binh bất động làm anh em thuỷ thủ càng lo lắng hơn. Không hiểu chúng nói với nhau những gì, nhưng tên chỉ huy đã bắt thủy thủ phải đánh tàu chạy lòng vòng để đưa bọn cướp về nhà.
Đầu tiên, chúng bắt tàu chạy lên phía bắc của vùng vịnh, thả khoảng 20 tên cướp. Lúc toán cướp này rời tàu, các thủy thủ mới biết tên nào cũng được trang bị nhiều khẩu súng. Một tên cướp còn giải thích cho thủy thủ là chúng phải mang nhiều súng đạn để đề phòng lên đến bờ có khi lại bị bọn trên bờ cướp mất tiền... Sau đó, bọn cướp còn lại trên tàu bắt tàu ngược xuống phía nam để thả toán tiếp theo.
Bọn cướp cứ bắt tàu chạy lòng vòng trong vùng vịnh kín suốt 37 giờ và lần lượt thả xuống 4 toán cướp. “Trước khi lên bờ, tên chỉ huy toán cướp còn đưa cho thuyền trưởng một tờ giấy chứng nhận là... tàu đã bị cướp ở vùng biển Somali, và nói nếu bị các toán khác cướp tàu thì cho bọn chúng xem cái giấy chứng nhận này để khỏi bị bắt cóc lần hai” - anh Trung cho biết.
Sau khi tên cướp cuối cùng rời khỏi tàu thì tàu Hoàng Sơn Sun mới hướng về vịnh Aden để chạy đến Oman. Lúc này, nhiên liệu đã sắp cạn, lương thực cũng chỉ còn chút ít, điều này bọn cướp cũng đoán được nên chúng cố tình bắt tàu chạy lòng vòng để tiêu hao nhiên liệu và các tàu hải quân chống cướp biển không biết đường nào để mật phục bắt bọn chúng khi vào bờ.
Niềm vui đoàn tụ
Thoát khỏi hang ổ của bọn cướp biển, quãng đường từ vùng biển Somali chạy qua vịnh Aden về Oman cũng là một thử thách nữa khi cả tàu phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. Máy trưởng Hưng cho hay, lúc chạy về, anh em chỉ lo tàu hết dầu vì trong 8 tháng bị bắt giữ, bọn cướp biển đã nhiều lần hút dầu của tàu Hoàng Sơn Sun mang đổi lấy thực phẩm. Anh em đã phải vét từng xô dầu để đổ máy chạy qua khu vực này.
Nếu trên đường về mà hết dầu thì đúng là một thảm hoạ vì vùng này cướp biển hoạt động dày đặc, không một tàu tiếp dầu nào dám bén mảng tới, còn tàu hải quân các nước cũng không thể vào được để hỗ trợ. Hơn nữa, mọi liên lạc với công ty ở Việt Nam đều bị ngắt quãng vì không có sóng điện thoại vệ tinh, tàu phải vừa chạy, vừa lo thả trôi để về đến Oman.
Sau những ngày lênh đênh trên biển vừa phấp phỏng mừng thầm, vừa lo sợ, khi bờ biển Oman hiện ra, mọi người mới biết chắc rằng mình đã thoát khỏi bọn cướp biển và được sống, anh em ôm lấy nhau mừng rớt nước mắt. Cả đoàn được đưa sang Doha (Qatar), sau đó bay về Thái Lan và trở về Việt Nam chiều 23.9 trong vòng tay người thân.
Vừa về tới nhà, anh Thắng (quận Dương Kinh, Hải Phòng) vẫn còn chưa hết mệt mỏi. Với anh, chuyến đi biển đầu tiên của đời thủy thủ đã phải nếm chịu bao nỗi cơ cực, nhưng anh sẽ không bao giờ từ bỏ nghề đi tàu để được khám phá các đại dương. “Và nếu tàu phải đi qua đường hàng hải có sự hoạt động của cướp biển thì tôi vẫn chấp nhận đi qua, coi như vụ việc vừa rồi là một tai nạn của đời thủy thủ” - anh Thắng cười dí dỏm.
Còn anh Đỗ Quốc Quân, sau những ngày được ăn ngủ trong chính ngôi nhà của mình ở huyện Kiến Thụy (Hải Phòng), đến bây giờ vẫn không tin được nhìn thấy vợ con và gia đình họ hàng. “Những ngày bị cướp biển giam cầm, tôi chỉ ước sẽ đánh đổi mọi thứ trên đời này để về được với vợ con. Đợt này nếu được công ty cho truy lĩnh lương, tôi sẽ sửa cho 3 mẹ con căn nhà để yên tâm mỗi khi gió bão về”.
Ngồi cạnh anh Quân, chị vợ vẫn bẽn lẽn của người thôn quê khi gặp khách lạ. Chị nói: “Khi nhìn thấy anh Quân về, tôi không biết diễn tả niềm sung sướng thế nào, chỉ biết cảm ơn trời phật đã lắng nghe lời tôi cầu nguyện. Có anh về rồi, tôi chẳng mong muốn gì hơn, vì tôi nghĩ còn người là còn tất cả”.
Nguyễn Gia Tưởng