Dân Việt

Bố mẹ có nghề, con được đi học

28/09/2011 11:45 GMT+7
(Dân Việt) - “Bên cạnh việc hỗ trợ hàng trăm hộ vùng khó khăn sản xuất - kinh doanh, chúng tôi còn dành vốn cho con em ND nghèo có cơ hội vào các trường chuyên nghiệp” - ông Phạm Duy Bình - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tân Phú, Đồng Nai chia sẻ.

Ông Mai Thiên Tường-Phó Chủ tịch Hội ND xã Nam Cát Tiên (Tân Phú) cho biết, Nam Cát Tiên thuộc vùng sâu, vùng xa còn nghèo và khó khăn nên trong số 226 hộ thành viên sinh hoạt tại 5 tổ vay vốn và tiết kiệm (VVTK) do Hội quản lý thì 111 hộ chưa thoát nghèo. Nếu không được Ngân hàng CSXH tiếp vốn, họ khó lòng thoát nghèo, nói gì đến việc cho con đi học.

Niềm vui của chồng, con chị Quy khi thấy tằm phát triển.
img

Con được đến trường

Dù có 4.000m2 đất trồng màu, nhưng vì thiếu vốn đầu tư, thiếu kiến thức canh tác nên vợ chồng ông Trần Đức Hạnh ở Chi hội ấp 1 vẫn nghèo. Tuy nghèo, nhưng vợ chồng ông vẫn quyết tâm cho cô con gái vào học trung cấp ngành y.

Năm 2010 và 2011, ông Hạnh không chỉ được Ngân hàng CSXH cho vay 10 triệu đồng từ Chương trình xóa nghèo để mua một cặp bò sinh sản và đầu tư trồng rau màu, mà còn được vay của Chương trình học sinh, sinh viên (HSSV). “Nuôi một năm, bò đẻ, tôi bán được 8 triệu đồng, lại có thêm tiền bán rau mỗi ngày” - ông Hạnh phấn khởi nói.

Chồng chị Văn Thị Dum, qua đời để lại cho chị 3 đứa con, trong đó có một cháu khuyết tật. Cùng lúc, chị vừa được vay vốn Chương trình HSSV, vừa được vay Chương trình hộ nghèo để buôn bán nhỏ, nhờ đó các con của chị có điều kiện đi học. Một cháu học Cao đẳng Sư phạm vừa ra trường và đã nhận công tác.

Gia đình ông Đỗ Xuân Đào nuôi mỗi năm vài lứa heo nhưng vẫn không đủ tiền cho 4 con ăn học. Nhưng hiện 3 con của vợ chồng ông đang theo học tại các trường cao đẳng. Ông Đào cho biết: “Niên học 2011-2012 là năm thứ ba các con tôi được vay vốn Chương trình HSSV”.

Chia sẻ về việc cho vay Chương trình hộ nghèo và Chương trình HSSV, ông Phạm Duy Bình cho rằng: “Phải công khai, minh bạch bình xét từ tổ VVTK, có sự quan tâm của chính quyền và giám sát của các đoàn thể thì đồng vốn vay mới càng hiệu quả”.

Phục hồi nghề truyền thống

Nằm ở thượng nguồn sông Đồng Nai, hàng chục năm trước ND xã Nam Cát Tiên đã có nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ. Song, từ năm 1998-2002, do kén rớt giá và tằm bị bệnh nên hàng loạt hộ trồng dâu nuôi tằm phải gác nong. Khoảng 6 năm nay nghề này mới dần hồi phục. Ở ấp 9 có 9 hộ nuôi tằm, năm 2011, cả 9 hộ đều được vay vốn Chương trình Sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn của Ngân hàng CSXH và các hộ này đều đang ăn nên làm ra.

Đến 31.8.2011, dư nợ của Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai đạt 74,3 tỷ đồng cho 4.143 hộ với 5.300 sinh viên vay.

Chị Vũ Thị Quy - hội viên Chi hội ấp 9, sinh hoạt tại tổ VVTK số 2 do ông Đỗ Công Định làm tổ trưởng. Năm 2005, vợ chồng chị đầu tư vốn thiết kế giàn nuôi 25 nong tằm trên diện tích 300m2 thổ cư và dành 0,2ha ven sông Đồng Nai trồng dâu.

Cứ 23 ngày, chị thu 40kg kén, bán 92.000 đồng/kg. Ngoài nuôi tằm, trên diện tích 1,3ha còn lại, vợ chồng chị trồng 100 cây sầu riêng và 60 cây mít nghệ. Dự kiến, năm 2011 sầu riêng và mít sẽ đem về gia đình chị trên 100 triệu đồng.

“Năm 2008, gia đình tôi được Ngân hàng CSXH cho vay 20 triệu đồng đầu tư trồng dâu nuôi tằm, cuối năm 2011 kết thúc chu kỳ vay, tôi sẽ vay tiếp để nâng thêm số nong tằm nuôi”- chị Quy cho hay.