Kênh đào Canal des Deux Mers gồm 2 con kênh gồm: kênh Canal du Midi kéo dài 240km từ cảng Sète ở Địa Trung Hải tới Toulouse và kênh Canal de Garonne, dài 193km, nối Toulouse với thị trấn Castets-en-Dorthe.
Hai con kênh Canal du Midi và Canal de Garonne cùng với sông Garonne hình thành nên kênh đào Canal des Deux Mers, kết nối Địa Trung Hải với Đại Tây Dương. Ngày nay, toàn bộ hệ thống kênh này được gọi là Canal du Midi.
Trước khi kênh đào được xây dựng, hành trình trên biển kéo dài hằng tháng qua eo biển Gibraltar đối mặt với nhiều nguy hiểm từ cướp biển và bão mạnh.
Ý tưởng xây dựng một tuyến đường thủy thay thế chạy qua lãnh thổ Pháp lần đầu tiên được thảo luận bởi những người La Mã cổ đại. Sau đó, nhiều vị vua của Pháp cùng bày tỏ mong muốn cây dựng một kênh đào có thể tránh tuyến đường biển vòng qua Tây Ban Nha.
Nhưng các thách thức kỹ thuật quá lớn vào thời điểm đó. Khó khăn đầu tiên là điều tiết nước trong kênh đào vì mực nước dâng giữa Địa Trung Hải và Đại Tây Dương khác nhau rất nhiều.
Đến thế kỷ thứ 17, dự án khả thi đầu tiên được phác thảo. Năm 1662, kỹ sư tên Pierre-Paul Riquet đã đề xuất dẫn nước từ núi Đen tới điểm điều tiết nước gần Seuil de Naurouze, điểm cao nhất của con kênh. Từ đây nước có thể chảy ra Địa Trung Hải và Đại Tây Dương.
Dự án sau đó được chấp thuận và khởi công xây dựng vào năm 1667, trước khi khánh thành vào năm 1681 với tên gọi Canal Royal du Languedoc, rồi đổi tên thành Canal du Midi.
Trong khoảng thời gian 14 năm xây dựng kênh đào, kỹ sư Pierre-Paul Riquet đã khắc phục nhiều vấn đề kỹ thuật phát sinh.
Kênh đào ban đầu chỉ kéo dài tới thành phố Toulouse và Riquet muốn tiếp tục kéo dài công trình tới gần Đại Tây Dương hơn, nhưng kế hoạch này không được hiện thực vì thiếu kinh phí vào thời điểm đó. Phải 2 thế kỷ sau đó, kênh đào Canal de Garonne được xây dựng để kết nối Canal du Midi với Đại Tây Dương.
Trong suốt 200 năm sau khi hoàn thành, kênh đào Canal du Midi đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động giao thương của người trồng lúa mì và nho ở vùng Languedoc.
Với kênh đào Canal du Midi, lúa mì và rượu vang từ Lauragais có thể được vận chuyển dễ dàng tới Toulouse, Bordeaux và Marseille, đồng thời đưa các hàng hóa khác như xà phòng, gạo, cá khô từ Marseille trở lại Languedoc.
Hoạt động giao thông trên kênh đào nhộn nhịp nhất vào thế kỷ thứ 19. Sau đó, hệ thống đường ray tàu hỏa trở nên thành phương tiện vận chuyển hàng hóa phổ biển hơn, khiến số lượng thuyền bè trên kênh Canal du Midi giảm dần.
Ngày nay, kênh đào Canal du Midi được sử dụng chủ yếu cho du lịch và các môn thể thao nước. Du khách cũng có thể đạp xe hay chạy bộ dọc hai bờ kênh từ Sète tới Bordeaux để chiêm ngưỡng các cánh đồng nho, hướng dương và những ngôi làng nhỏ thanh bình.
Năm 1996, kênh đào Canal du Midi và vùng đệm rộng 2.000 km được UNESCO công nhận là di sản thế giới.