82% dân số tham gia BHYT
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, thời gian qua, công tác tuyên truyền đã tác động tích cực, thúc đẩy việc tham gia BHXH, BHYT trên cả nước tăng đều theo từng năm. Năm 2016, trong cả nước đã có 75,8 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 81,8% dân số, vượt 2,8% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao). Tính đến tháng 5.2017, cả nước đã có hơn 76,67 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ hơn 82% dân số.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo nhận định, kể từ khi thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đến nay, công tác BHYT có nhiều thuận lợi, song cũng gặp không ít khó khăn. Mặc dù độ bao phủ BHYT đã vượt chỉ tiêu được giao, nhưng với việc Chính phủ điều chỉnh giá dịch vụ y tế dẫn đến nhiều khó khăn, nhất là tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT vẫn diễn ra nhiều. Điều này do nhiều nguyên nhân, song phải kể đến công tác tham mưu, phối hợp ở các địa phương chưa tốt, chưa tranh thủ được sự ủng hộ của chính quyền địa phương...
Hệ thống giám định điện tử giúp các giám định viên phát hiện các con số bất thường trong khám chữa bệnh (Ảnh minh họa). ảnh: Diệu Linh
Chính vì vậy, các địa phương phải tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHYT; tập trung thanh tra, kiểm tra, nhất là phải thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời có kế hoạch tăng cường kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT...
Thời gian gần đây, BHXH các tỉnh, thành phố đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện công tác giám định BHYT và đạt được nhiều kết quả khả quan, nhất là nhiều địa phương đã tăng cường kiểm tra và kiểm soát tốt chi phí khám chữa bệnh như: Hà Nội, TP.HCM, Cà Mau, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thái Bình...
Tăng cường giám sát
Chi phí khám chữa bệnh BHYT hiện đang là vấn đề nóng, cần phải có các giải pháp để hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Để giải quyết được bài toán này cần những biện pháp kiên quyết cũng như sự quyết tâm của lãnh đạo các đơn vị. Mặt khác, trong công tác khám chữa bệnh BHYT cũng cần phân định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, lỗi của bên nào thì bên đó phải chịu trách nhiệm”. |
Theo BHXH Việt Nam, thời gian qua, ngoài việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông dữ liệu với hệ thống thông tin giám định BHYT, các địa phương còn chủ động giám định trực tiếp (kiểm tra tình trạng bệnh nhân nằm viện, sử dụng thẻ BHYT, chỉ định chẩn đoán và điều trị trên bệnh án...). Thông qua đó, đã kiểm soát được tần suất điều trị nội trú và khám bệnh ngoại trú. Đặc biệt, qua công tác giám định trực tiếp tại Bệnh viện đa khoa thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã phát hiện tình trạng lạm dụng quỹ BHYT từ phía nhân viên y tế (sử dụng thẻ của cá nhân hoặc của người khác để lấy thuốc).
Báo cáo của Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc cũng cho thấy, đến hết 30.6.2017, hệ thống tiếp nhận 75,82 triệu dữ liệu điện tử đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh, tỷ lệ liên thông trên toàn quốc bình quân 6 tháng đạt 98,1%; 11 tỉnh đạt tỷ lệ 99-100%; 3 tỉnh có tỷ lệ liên thông thấp là Bắc Ninh (89,1%), TP.HCM (93,2%), Long An (94,8%).
Ông Dương Tuấn Đức- Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc khẳng định, hệ thống giám định điện tử chính là “con mắt” tinh nhạy giúp cơ quan BHXH dễ dàng phát hiện các bất thường về tần suất khám chữa bệnh, chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh từ các địa phương, các cơ sở khám chữa bệnh gia tăng chi phí đột biến, qua đó kịp thời giám định, xử lý các trường hợp lạm dụng, trục lợi BHYT. /.