Dân Việt

Thương mại Trung-Triều tăng hơn 10%, Bắc Kinh ăn nói thế nào?

Phương Đăng 13/07/2017 19:24 GMT+7
Sự tăng trưởng thương mại lên tới hơn 10% giữa Trung Quốc và Triều Tiên trong 6 tháng đầu năm nay (so với cùng kỳ năm ngoái) đang đẩy Bắc Kinh vào thế "khó ăn khó nói" và nói gì cũng không thuyết phục vì số liệu rõ ràng không biết nói dối.

img

Theo South China Morning Post, thương mại Trung - Triều đạt đạt 2,55 tỉ USD, tăng 10,5% trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh Mỹ và cộng đồng quốc tế không ngừng hối thúc Trung Quốc gây thêm áp lực cả về mặt kinh tế và ngoại giao lên Bình Nhưỡng liên quan đến các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên gần đây. Điều này đang đẩy Bắc Kinh vào thế "khó ăn khó nói" và nói gì cũng khó lòng thuyết phục.

Ông Hwang Jae-ho, chuyên gia về an ninh khu vực Đông Bắc Á tại Đại học Ngoại thương Hàn Quốc bình luận, sự gia tăng thương mại Trung - Triều có thể sẽ dấy lên nhiều lời chỉ trích từ Mỹ.

"Mỹ luôn thúc giục Trung Quốc gây áp lực mạnh hơn đối với Triều Tiên để chấm dứt những tham vọng tên lửa hạt nhân Bình Nhưỡng, nhưng số liệu thương mại tăng trong nửa đầu năm nay sẽ khiến Mỹ nghi ngờ về mức độ nghiêm túc của Trung Quốc trong việc trừng phạt đồng minh của họ", ông Hwang Jae-ho tuyên bố.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump có bóng gió về chuyện thực sự Bắc Kinh không hề giúp cộng đồng quốc tế kiềm chế Bình Nhưỡng và thậm chí nêu số liệu tăng trưởng thương mại Trung - Triều lên đến gần 40% trong quí 1.2017. 

Liên quan đến vấn đề tăng trưởng thương mại với Triều Tiên, ông Hoàng Tụng Bình, người phát ngôn cơ quan hải quan Trung Quốc nhấn mạnh, số liệu trên không có nghĩa Trung Quốc đi ngược lại với quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trừng phạt Triều Tiên liên quan đến việc nước này phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa và vũ khí hạt nhân.

Theo ông Hoàng, phần nhập khẩu của Trung Quốc từ Triều Tiên đã giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, còn 880 triệu USD nhưng phần xuất khẩu sang Bình Nhưỡng tăng đến 29,1%, lên 1,67 tỉ USD.

Ông cũng khẳng định phần hàng hóa xuất khẩu sang Triều Tiên chỉ là sản phẩm dệt may và những hàng hóa không nằm trong danh mục cấm của Liên Hợp Quốc.

“Vì là hai nước láng giềng, Trung Quốc và Triều Tiên vẫn tiếp tục buôn bán bình thường. Những dữ liệu thu thập được không thể được sử dụng để đặt câu hỏi về thái độ nghiêm túc của Trung Quốc trong việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc", ông Huang biện bạch đồng thời nhắc lại rằng những sản phẩm hàng hóa tiêu dùng cho người dân Triều Tiên là những sản phẩm phù hợp với các lý do nhân đạo không nằm trong lệnh cấm của Liên Hợp Quốc.

Bắc Kinh trước đó nhiều lần cam kết rằng, nước này sẽ thực thi triệt để các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhắm vào Triều Tiên và từng thể hiện thành ý đó bằng cách ngừng nhập khẩu than đã Triều Tiên. Động thái này được cho là giáng đòn mạnh vào Triều Tiên vì xuất khẩu than đá là một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Bình Nhưỡng.

Bề ngoài, lệnh cấm nhập khẩu than đá từ Triều Tiên mà chính quyền Bắc Kinh áp dụng hoàn toàn có thể mang lại hy vọng sẽ kiềm chế được phần nào chương trình hạt nhân mà Bình Nhưỡng. Tuy nhiên điều đó đã không xảy ra.

Lý do là, dù xuất khẩu than đá được xem là lĩnh vực xuất khẩu mạnh nhất của Triều Tiên, nhưng đà tăng trưởng kinh tế chậm của Trung Quốc từ năm 2014 đến nay đã dẫn tới nhu cầu than đá giảm. Thay vào đó, trao đổi kinh tế giữa Trung - Triều lại tăng ở các lĩnh vực khác.

Chẳng hạn, ngày càng có nhiều các công ty may mặc Trung Quốc chuyển sang thuê các công ty Triều Tiên để sản xuất, do lương cơ bản ở Trung Quốc gia tăng trong khi giá thuê nhân công ở Triều Tiên lại rẻ. Trong những năm gần đây, rất nhiều nhân công Triều Tiên đã đổ tới các thành phố cửa khẩu của Trung Quốc để kiếm việc làm.

Chính vì những lý do trên, việc cấm nhập khẩu than đá từ Triều Tiên của Bắc KInh đương nhiên sẽ gây ảnh hưởng tới nguồn thu ngoại tệ của nước này, nhưng lại hoàn toàn có thể bù khuyết nhờ vào các lĩnh vực hợp tác kinh tế khác với Trung Quốc.