Về kinh phí, Bộ trưởng cho biết tình hình kinh tế nước ta đang khó khăn, chỉ đầu tư cho các công trình thực sự cấp bách, các dự án đem lại hiệu quả kinh tế ngay. Hiện nay chưa có vốn cho công trình này từ trung ương.
Trong thời gian qua, dư luận có nhiều ý kiến cho rằng, công trình tượng đài tiêu tốn 410 tỷ đồng là quá lớn, trong khi tỉnh Quảng Nam còn nghèo, đất nước còn cần tiền để làm nhiều việc khác. Cho nên những thông báo từ Bộ trưởng Vũ Đức Đam rất thuyết phục và phù hợp với tình hình thực tế.
Tuy nhiên, nói đúng ra, dư luận không đồng tình làm tượng đài không phải chỉ là chuyện tiền nong, mà vì chưa có niềm tin về hai việc. Một là, chất lượng nghệ thuật của công trình; hai là chất lượng quản lý trong việc thi công xây dựng. VN có rất nhiều tượng đài, nhưng phần lớn đều không có giá trị nghệ thuật. Có tượng đài bị rút ruột, hư hỏng, xuống cấp. Sự lãng phí về việc xây tượng đài còn sờ sờ ra ở khắp các địa phương.
Nước Nga có tượng đài khổng lồ “Mẹ Tổ quốc” cao 85m được xây dựng và hoàn thành năm 1967 – một tượng đài phi tôn giáo lớn nhất thế giới. Tượng đài ở trên đồi Mamayev, là địa điểm diễn ra trận chiến đẫm máu Stalingrad.
Ngọn đồi này là một cao điểm quan trọng trong phòng tuyến bảo vệ thành phố Stalingrad. Tượng đài này nổi tiếng không chỉ vì nhắc nhở về một trận đánh ác liệt trong thế chiến thứ 2, mà vì nó đạt được trình độ nghệ thuật cao. “Mẹ Tổ quốc” là biểu tượng tinh thần của nước Nga và là một kỳ quan điêu khắc mà thế giới phải ngưỡng mộ. Hàng năm nơi đây thu hút rất đông du khách từ khắp nơi trên thế giới đến tham quan.
Nhưng, để đạt được chất lượng nghệ thuật đỉnh cao là sự thử thách về tài năng, trí tuệ của người nghệ sĩ. Và, để không bị thất thoát khi xây dựng công trình là sự thử thách về năng lực và đạo đức của các nhà quản lý. Thiết nghĩ, chúng ta không sợ tốn kém cho việc thực hiện một công trình tượng đài có giá trị nghệ thuật, nhưng chỉ sợ chưa có những con người đủ tài và đủ tầm để làm được điều đó.
Chân Tâm