Clip: Dùng nước rửa chân pha trà đá gây xôn xao.
Sáng 14.7, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, lãnh đạo Công an phường Quan Hoa cho biết, qua lời khai ban đầu, khi bà Phạm Thị Lạng (chủ nhân quán trà đá) đang ngồi ở quán bán nước thì nữ nhân viên salon tóc cạnh đó ra bảo “để cháu bán hộ cho”. Thấy người này cho chân vào thùng nước và múc lên, bà Lạng tưởng họ trêu đùa nhau. Người trông xe cạnh quán trà thì cho biết, người quay clip chính là chủ nhân của salon tóc.
Hình ảnh quán trà đá sau clip dùng nước rửa chân pha trà.
“Công an phường đã gọi những người này lên làm việc nhưng nữ nhân viên tên Trinh - người múc nước rửa chân pha trà đã về quê, còn người quay clip là chủ salon vẫn chưa lên làm việc”, vị lãnh đạo Công an phường cho hay.
Về hướng xử lý, lãnh đạo Công an phường Quan Hoa cho biết: “Phải gọi được những người này lên xem họ quay clip với mục đích gì. Tuy nhiên, do chủ quán trà đá không có đơn khiếu kiện nên rất khó để xử lý”. Địa điểm trên không được bán trà đá. Do đó, đơn vị đã xử lý và không cho bán hàng trà đá tại đây.
Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Đinh Trọng - Phó Chủ tịch UBND phường Quan Hoa cho biết: "Phường đã triệu tập chủ quán salon tóc này lên làm việc và hiện chưa có hướng xử lý nào".
Hình ảnh cho chân vào thùng nước của cô gái là nhân viên salon tóc gây xôn xao dư luận.
Trao đổi với PV, con gái bà Lạng cho biết, sự việc khiến gia đình rất ảnh hưởng về tâm lý. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, kinh tế phụ thuộc nhiều vào thu nhập từ quán trà đá của bà Lạng. Thời gian tới, gia đình sẽ làm đơn khiếu nại yêu cầu những người dàn dựng clip bồi thường danh dự…
Phải xử thật nặng
Nhận định về việc này, luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: Sự việc cô gái dùng nước rửa chân để pha trà cho khách là điều rất đáng lên án, dù cho đó là có thật hay được dàn dựng.
Luật sư Giang Hồng Thanh: "Phải xử thật nghiêm những người dàn dựng quay clip nhằm câu like".
“Thực tế đã cho thấy, dư luận phản ứng rất dữ dội đối với hành vi này. Đầu tiên, người ta lên án hình ảnh bẩn thỉu, mất vệ sinh, coi thường khách hàng của cô gái, và sau khi biết được sự thật rằng đó chỉ là hình ảnh được dàn dựng thì người ta càng bức xúc, bởi lẽ chỉ vì muốn mọi người chú ý hơn đến hoạt động kinh doanh làm tóc của mình mà chủ cửa hàng bôi nhọ hình thức lao động của người khác”, luật sư Thanh nêu ý kiến.
Theo luật sư Thanh, rõ ràng là không chỉ có quán trà trở thành nạn nhân của trò câu like, mà còn rất nhiều quán trà khác đã, đang và sẽ bị ảnh hưởng bởi hành vi xấu đó. Điều này sẽ kéo theo sự khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người, những gia đình chỉ biết trông chờ vào vài đồng tiền lẻ góp nhặt từ hoạt động bán hàng này.
Về mặt pháp luật, việc dàn dựng clip nêu trên và đưa clip lên mạng xã hội đã xâm phạm đến uy tín, danh dự của những người lao động làm công việc bán trà, nước giải khát. Hành vi này có thể bị xử phạt đến 20 triệu đồng theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP.
"Theo quan điểm của tôi, cơ quan chức năng cần cương quyết xử lý người dàn dựng và tung clip lên mạng để răn đe những người có ý định thực hiện các hành vi phản cảm tương tự", luật sư Giang Hồng Thanh kết luận.
Theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin. "Điều 66. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin: 3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. |