Mặc dù hàng năm, mức điểm trúng tuyển của ĐH Y Hà Nội luôn ở mức “đỉnh” nhất cả nước nhưng năm nay, trường này lại đưa ra mức nhận hồ sơ xét tuyển “khiêm tốn” 15,5 điểm.
Giải thích điều này trên báo chí, ông Nguyễn Hữu Tú – Phó hiệu trưởng trường cho biết, đây là mức điểm thực hiện theo để án tuyển sinh trường công bố trước đó. Theo đó, trường quy định tiêu chí và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định chung của Bộ GD ĐT. Tuy nhiên, lãnh đạo trường cũng cho biết, điểm chuẩn trúng tuyển vẫn lấy từ cao xuống hết chỉ tiêu. Về tiêu chí phụ và thứ tự ưu tiên của các tiêu chí phụ dùng để xét tuyển nếu các thí sinh cuối cùng của chỉ tiêu tuyển sinh có điểm thi bằng nhau gồm: Điểm bài thi Toán (ưu tiên 1) và điểm môn thi Sinh học (ưu tiên 2).
Điểm sàn thấp, thí sinh cũng đừng vội mừng (Ảnh minh họa Quốc Hải)
Không chỉ có trường này, rất nhiều trường ĐH “top” cũng đồng loạt công bố điểm sàn cận đáy khiến không ít thí sinh hoang mang.
Cũng khối ngành Y – dược, trường ĐH Y dược – ĐH Thái Nguyên năm nay tuyển 730 chỉ tiêu cho 6 ngành đào tạo, trong đó ngành Y đa khoa tuyển 300 chỉ tiêu. Trường này cũng lấy mức điểm xét tuyển đầu vào 15,5 áp dụng cho tất cả các mã ngành không ngoại trừ Y đa khoa.
Tương tự, tại ĐH Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng ngưỡng điểm đầu vào của Bộ GD ĐT (15,5 điểm) cho tất cả các ngành, tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 750.
Ngoài ra, một số trường “top” khác như ĐH Hà Nội, ĐH Thủy Lợi, ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM; ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM; ĐH Bách Khoa (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM)… cũng chọn mức điểm bằng sàn để nhận hồ sơ.
Giải thích hiện tượng này, ông Nguyễn Quốc Cường – Phó Ban đào tạo Hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM cho rằng, các trường “top” lấy điểm bằng sàn lý giải rằng để tạo cơ hội xét tuyển bình đẳng cho các thí sinh nhưng thí sinh đặc biệt phải tỉnh táo.
“Điểm chuẩn trúng tuyển luôn cao hơn rất nhiều so với điểm nhận hồ sơ vì các trường lấy từ trên xuống dưới đến hết chỉ tiêu. Đặc biệt khối ngàng Y - Dược rất khó có điểm trúng tuyển bằng sàn của Bộ GD ĐT được, ĐH Y Hà Nội càng không.
Chính vì vậy thí sinh không nên “mơ mộng” mà gửi hồ sơ xét tuyển vào các trường đó khi điểm thi của mình chỉ được bằng điểm sàn nhận hồ sơ. Bởi lẽ, cơ hội trúng tuyển ở các trường này khi đó gần như sẽ… bằng 0. Các em nộp hồ sơ sẽ lãng phí cơ hội xét tuyển vào trường khác phù hợp với mức điểm của mình” – ông Cường nói.
Ông Cường cũng cho rằng, căn cứ chính xác nhất để cân nhắc là điểm trúng tuyển các năm trước. Nếu điểm thi cao hơn điểm trúng tuyển các năm trước từ 1 – 2 điểm thì mới nên thay đổi nguyện vọng.