Đầu tiên là các vụ người Trung Quốc nuôi cá trái phép trên vịnh Cam Ranh hàng năm trời, khi bị phát giác, UBND tỉnh Khánh Hoa trả lời "không biết". Vụ Công ty Nguyên Long Sơn thuộc Tập đoàn Kinh tế Nguyên Hinh của Trung Quốc mua 1,2ha đất trồng lúa, rồi 59,7ha đất trồng cây ở Hàm Thuận để chuyển đổi thành đất trồng thanh long, Sở Tài nguyên - Môi trường Bình Thuận ỡm ờ "không biết".
Vụ người Trung Quốc lộng hành thành lập các cơ sở buôn bán, rồi dựng biển hiệu toàn tiếng Trung Quốc, gây bức bối ở hàng loạt xã dọc QL1A thuộc huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ông Nguyễn Đức Thắng - Chánh Văn phòng UBND huyện khi được hỏi trả lời tỉnh khô "chúng tôi không biết, vì huyện chỉ chủ trương giải phóng mặt bằng"...
Vụ 62 người dân ở xung quanh sân bay Đà Nẵng bất ngờ nhiễm chất độc dioxin cũng được các nhà chức trách trả lời "sẽ điều tra vì không... biết rõ nguyên nhân”.
Còn ngay giữa thủ đô Hà Nội, việc chùa Trăm Gian - một di sản văn hoá của cha ông ta bị phá dỡ, cơ quan quản lý cũng đổ cho... không biết. Thật bất ngờ là việc phá dỡ này diễn ra hàng tháng trời với tiếng cưa, tiếng búa ồn ào và cách UBND xã Tiên Phương gần 1km, cách UBND huyện Chương Mỹ 4km và cách Sở VHTTDL Hà Nội cũng không phải nhiều, mà chỉ đến khi một phần ngôi chùa biến thành một đống đổ nát gây bức xúc trong nhân dân, trong giới chuyện môn thì lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội mới biết và tìm nguyên nhân, thủ phạm, giải pháp khắc phục…
Điểm qua một số vụ việc như vậy để thấy rằng hội chứng "không biết" đang là một trong những nguy cơ làm băng hoại nhiều mặt của xã hội ta và đến nay chưa có biện pháp nào ngăn chặn. Thật đáng sợ.
Hội chứng “không biết” do không biết thật hay vì một lý do nào đó mà cơ quan quản lý cố tình... không biết? Nhưng kể cả như vậy, ở đây dư luận và quần chúng nhân dân cũng muốn làm rõ trách nhiệm của cả cá nhân, đơn vị “không biết” khi để xảy ra những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng. Bởi không thể nói không biết để xí xoá trách nhiệm!n
Bách Thành