Dân Việt

Về xây Làng cá Định An

Hoàng Lan  15/07/2017 07:34 GMT+7
Trần Minh Lượng thuộc lớp trẻ “chịu mài” ở một công ty lắp ráp linh kiện của Nhật, thử lửa ở một ngân hàng cho đúng ngành học, cuối cùng chọn con đường trở về cửa biển Định An góp sức đẩy “Làng cá Định An” vô chợ.

“Thực ra người trì chí nhất chính là bác Năm Đẳng, giám đốc hợp tác xã (HTX). Hồi trước, mỗi năm bác về Canada mấy lần, nhưng hai, ba năm nay chưa về lần nào vì HTX còn nhiều cái khó quá”, Lượng nói.

img

Trần Minh Lượng nói về cách làm sản phẩm đưa ra thị trường của Làng cá Định An.

Ông Huỳnh Công Đẳng, từ Canada về xứ ở Trà Cú, đầu tư vào chuỗi phát triển thuỷ sản. Tâm tư của ông làm gì để giàu cả làng. Có lẽ ông không ngờ “Làng cá Định An”, tên của dòng sản phẩm chế biến từ cá lóc, cá sặt rằn, lại quá khó như vậy!

Khi HTX bắt đầu nuôi cá lóc, “về cơ bản” nguồn cá tự nhiên đã bị tiêu diệt gần hết nên nuôi là cách kêu gọi phục hồi tự nhiên, sau đó là chủ động nguồn nguyên liệu. Đã có lúc giá cá tại Định An lên tới 50.000 đồng/kg, một niềm hy vọng lớn. Oái oăm thay, khi nguồn cá hút hàng đi các thành phố lớn, sang Campuchia, không chỉ Trà Cú, mà các tỉnh khác trong vùng cùng nuôi – nguồn cung quá lớn! Niềm hy vọng như ngọn đèn phụt tắt.

Năm Đẳng chuyển sang đầu tư chế biến, lấy thịt lưng làm khô, phần còn lại làm chả. Hy vọng sẽ “giải cứu” con cá, nhưng mỗi năm HTX cũng chỉ có thể tiêu thụ 2.000 tấn cá so với 100 tấn/ngày của Trà Cú.

Bây giờ bác Năm tiếp tục “ra đề” cho lớp trẻ “chả cá măng”, Lượng thú thiệt: “Thực tình em chỉ biết cá măng sống ngoài biển. Bây giờ phải tìm cho được kỹ thuật nuôi trong đất liền, nghiên cứu cách làm chả”. Món chả cá măng, chả cá lóc, chuyện nuôi cá sặt rằn trong cùng ao nuôi cá lóc để tăng nguồn thu, ông Năm Đẳng giao cho nhóm trẻ của HTX thuỷ nông Định An cùng tính toán để khô cá lóc, cá sặt, cá măng là giá trị thực của làng cá ra thị trường. Nhưng giá trị không tranh nổi với giá cả.

Việc nuôi cá măng cho Lượng bài học đầu tiên, mật độ dày đặc khiến mức tăng trọng chậm so mong muốn, công việc vẫn còn nhiều thách thức nhưng là chim đầu đàn của nhóm “động não”, Lượng dần dần chọn được mật độ thích hợp, hiểu đời sống con cá măng hơn. Kết quả bước đầu cho thấy 5 – 6 tháng, cá tăng trọng đạt yêu cầu, tỷ lệ hao hụt thấp. Bài học đầu tiên là đừng đặt tất cả tham vọng vào mật độ dày đặc, và nên tính trước xem nguyên liệu này có thể làm gì để tạo ra giá trị tăng thêm, thay vì cứ làm khô đem ra chợ.

Mỗi ngày HTX cần lượng cá tươi ngon để làm khô, làm chả, không dùng nguyên liệu bị sần mình, cá chết… tiêu chuẩn này đôi khi cũng khiến số lượng thành viên từ 50 người sẽ dao động do nguyên liệu không đạt yêu cầu. “HTX buộc phải từ chối nguồn nguyên liệu không đủ chuẩn, vì nguyên liệu của HTX đang cung cấp cho một công ty chế biến xuất khẩu chả cá, phải làm đúng ngay từ đầu vì đây là sân chơi tử tế, không thể tự làm mất lòng tin người mua hàng”, Lượng nói.

Để có 1 tấn cá lóc tốn ít gì cũng 3 tấn cá tạp, người sống ở Biển Hồ, Campuchia không khuyến khích nuôi cá lóc vì ảnh hưởng tính đa dạng sinh học. Trong khi đó, ở đây muốn phát triển dòng sản phẩm thương mại từ cá lóc, muốn nhắc nhở về thời xa xưa nơi đây từng là nơi sinh cư tự nhiên của loài cá này. 

Nhóm trẻ tính được hàm lượng dinh dưỡng, công thức quy đổi thức ăn ra mức tăng trọng, áp dụng kỹ thuật sấy (từ 12 – 15 giờ/mẻ (450kg) để 3,4 – 3,6kg tươi thành 1kg khô có chất lượng ngon hơn. Tỷ lệ quy đổi 1,4 – 1,5 thức ăn để có 1kg cá thịt, sử dụng vi sinh để xử lý ao, nuôi ghép để cá ít bịnh… là kết quả nghiên cứu nho nhỏ từ thực tế của nhóm trẻ lên thành phố học hành rồi “lội ngược” về quê, tiếp sức giải quyết khó khăn đang đeo bám những người luống tuổi.

 “HTX đầu tư  lò sấy trên 2 tỉ đồng, lớp trẻ đầu tư công sức vô nghiên cứu làm chả cá tẩm gừng, có vị ngọt tự nhiên, dẻo, dai đưa ra thị trường, người tiêu dùng sẽ giúp HTX  tính được giá trị mới”, Lượng nói.