Dân Việt

Thanh Thành ngồn ngộn lớp sóng thời gian

Thái Hoãn 19/07/2017 14:00 GMT+7
Tàu Ninh Hạ – Hồi Hột đến ga hơn 10 giờ khuya. Đánh vật với ngôn ngữ các kiểu trừ tiếng Trung nửa chữ không biết, loay hoay mấy chuyến buýt, căng mắt tìm khách sạn trong ánh đèn đêm vàng vọt và màn mưa cuối tháng 8 ướt nhoè nhoẹt, ấn tượng đầu với miền đất nhiều mong đợi không quá sáng sủa.

Nhiều trông chờ, vì không chỉ là cửa ngõ sang Mông Cổ theo dự định mà còn là nơi sẽ xin visa. Rất hồi hộp vì mấy tháng trước ở quê nhà đã làm, vấp rào cản rất lớn là cần thư mời từ người quen, công ty bên Mông Cổ mới được. May sao chuyện hanh thông. Nhất là có cả dịch vụ visa nhanh trong ngày với chi phí cao. Nên dù ví còn mỏng lét vẫn cắn răng móc, để chắc ăn thị thực trong tay. Hí hửng với visa mới lang thang phố lại thấy một Hồi Hột khác hẳn đêm qua, dù phố vẫn mưa khi đổ xoà lúc giăng bay.

img

Ga Hồi Hột, xa tít miền biên ải nhưng cũng rất to lớn đồ sộ.

Miền xưa cổ những ngày mưa mịt mờ

img

Miền quê cô tịch nhìn từ trên cao Bạch Tự.

Được phương Tây biết đến từ du ký Marco Polo, Thanh Thành, theo cách gọi người của Mông Cổ xưa, ra đời từ rất lâu. Ai từng đi Tây Tạng đều biết chiếc khăn chúc phúc khatag lụa trắng ở trển, nhưng ở Mông Cổ màu thiên thanh là chủ đạo. Biểu tượng cho bầu trời, sự tinh khiết và vĩnh cửu – cũng là hương danh tặng cho Hồi Hột.

img

 Một góc vắng rất hiếm hoi, chỉ có ở Hồi Hột trên đất nước gần 1,4 tỷ dân.

Kế cận với Đại Thanh Sơn (Daqin Shan), Âm Sơn (Yin Shan) Hồi Hột giáp bình nguyên Hà Sáo (Hetao) và Hoàng Hà. Là đất của người Hung Nô cổ, ngôi thành chiến lược được Triệu Vũ Linh Vương (340-295 TrCN) dựng lên thời Chiến Quốc. Kinh đô của người Tiên Ti thời Bắc Ngụy (386-557), rồi cứ đổi tên khi qua tay nhà Liêu, Nguyên, Minh, Thanh… đến 1954, thành phố lấy lại tên Hồi Hột (Hohhot) là thủ phủ Khu tự trị Nội Mông. Bao nhiêu dấu tích thời gian ngồn ngộn miền xa ngái bên ngoài Vạn lý trường thành này.

img

 Những chiếc khatag màu xanh đặc trưng của người Mông Cổ rất nhiều ở đền chùa Hồi Hột.

Chờ thị thực, đọc mới biết dù lội mưa đêm qua, cả sáng nay tôi vẫn may mắn chán. Bao quanh bởi núi đồi, kế cận đồng cỏ, thảo nguyên mênh mông Xilamuren, Gegentala… khí hậu ở đây vẫn khá khó chịu. Nhiệt độ trung bình năm là 6,7 độ C, ngay tháng 7 nóng nhất cũng chỉ 22,6 độ mà qua giờ cầm cự được với mấy cái áo phong phanh thì trời vẫn còn ấm. Tò mò những trận bão cát thường ập đến phố, lúc đầu tính ở thêm vài ngày nhưng háo hức nghĩ mai mốt sẽ xông thẳng vô sa mạc nên bỏ. Hủy luôn dự tính ngó nghiêng thảo nguyên vì mới từ Trung Á thênh thang về… Chỉ dành vài bữa nhảy buýt thăm xưa ngó cũ. Mà phải ngắm thiệt kỹ vì khá dễ nhầm lẫn giữa trùng điệp đập đập xây xây chốn này.

Ngày liêu xiêu mưa bên chùa Liêu xưa

Mưa đội, nước lội, quần quật mấy chuyến xe đến Bạch Tự, di tích không có tên trong tự điển mở Wikitravel… lúc đầu chỉ cốt thoả mãn cái tôi sợ thua kém bè bạn giang hồ. Đến, thấy rất hay. Đi rồi, càng thích hơn. Nhất là mấy ngày vừa chia tay. Mấy ngày đầu sang Mông Cổ, rất lạ khi bị hỏi có phải người “kitai”. Sau mới biết đó là cách họ gọi người Trung Quốc. Rất ngạc nhiên vì qua gần thiên niên kỷ… con cháu Đại Hãn giờ vẫn gọi người láng giềng bằng tên của dân tộc bị chính họ kết thúc vương triều cuối cùng – nhà Liêu. Khá nhiều lý do lẫn giả thuyết và có vẻ lạ với người Việt, nhưng nếu nói kitai là bính âm của Khiết Đan thì sẽ nhiều người ồ à. Nhất là những fan của Kim Dung, mà hầu như không ai không yêu mến chàng Tiêu Phong hào sảng người Khiết Đan. Dài dòng vậy để làm màu cho việc may mắn ghé được Bạch Tự, một trong những di tích cuối cùng nhà Liêu.  

Mưa, lạnh, cách trở, bữa đó một mình tôi một Bai Ta, còn gọi Avatamsaka Sutra Pagoda, Wanbu Huayan Jing Pagoda (Chùa của vạn bản kinh Hoa Nghiêm)… được xây thời Liêu Thánh Tông (972 – 1031). Ngôi chùa bát giác bằng gạch bảy tầng thanh thoát vươn cao giữa đồng quê lặng lẽ, tồn tại qua ngàn năm qua gió mưa phong hoá, động đất, bão tố, sét đánh… được cho là nhờ sự hỗ trợ, gia cố của cấu trúc gỗ linh hoạt. Tiếng là Chùa Trắng nhưng có lẽ là ngày cũ. Giờ thời gian đã nhuốm khá đậm, dù những chạm trổ, tượng gỗ, đá, phù điêu… vẫn khá sắc sảo, cả những sắc màu. Dù các đời sau bổ sung thêm, các kiến trúc trong Bạch Tự được xem là di sản quý giá của nhà Liêu, dù các bộ kinh Phật đã không còn. Leo lên gác cao nhất, cô độc bên rêu phong phai úa phóng mắt nhìn nương đồng đang mùa hoa rộ vẫn xám xịt trong gió mưa liêu xiêu không thể không thở dài buông lời cảm khái.

Tôi chia tay Bạch Tự trong mưa. Về phố cũng đang mưa. Đêm lạnh một mình Hồi Hột không hào sảng nâng chén như chàng Tiêu Phong xưa. Chỉ khẽ khàng, nhưng kha khá chai và ly. Chợt bồi hồi nhớ miền đất vẫn còn chưa xa.