Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Bình Định khóa XII (ngày 14.7), ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho biết: “Thời gian qua, việc phản ánh tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất… là vấn đề gây bức xúc dư luận, được lãnh đạo địa phương rất quan tâm. Sau nhiều cuộc họp, ngày 7.9.2016, UBND tỉnh ban hành chỉ thị nhằm siết chặt quản lý, bảo vệ rừng. Từ đó đến nay, việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng giảm đến gần 90%”.
Theo ông Dũng, trước khi có chỉ thị nói trên, tại Bình Định, từ đầu năm 2016 đến tháng 9.2016 đã xảy ra 213 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng,… mất đến 262ha đất rừng. Nhưng từ khi có chỉ thị đến nay, chỉ xảy ra 41 vụ và bị phá 26ha rừng.
Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Ảnh: D.T
“Điều này chứng tỏ, chỉ thị của tỉnh đã đi vào cuộc sống, mặc dù ban đầu có ý kiến nói qua nói lại nhưng giờ đang thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, không thể nào chấm dứt được tình trạng phá rừng vì diện tích rừng rất lớn (khoảng 150.000ha) nhưng Ban quản lý rừng phòng hộ chỉ có 44 người, quá mênh mông. Còn lại giao cho cán bộ lâm nghiệp xã; những cán bộ này lại không chuyên trách quản lý” - ông Dũng lý giải.
Ông Dũng cũng cho rằng: “Nếu như thực hiện chỉ tiêu đúng theo quy định thì tỉnh Bình Định phải có ít nhất gần 200 cán bộ quản lý rừng. Cán bộ quản lý rừng không thể đi suốt ngày để tuần tra, kiểm tra. Vì vậy, tôi đề nghị cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền người dân bảo vệ rừng”.
Theo UBND tỉnh Bình Định, 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh này đã xảy ra 25 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích 9,74ha, 3 vụ cháy rừng trồng phi lao tại huyện Phù Mỹ với diện tích 1,6ha, các ngành chức năng đã thực hiện phá bỏ cây trồng trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái pháp luật 167,06ha.
Tỉnh Bình Định yêu cầu tăng cường bảo vệ rừng, chấm dứt tình trạng lấn chiếm, phá rừng. Ảnh: D.T
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, Chủ tịch HĐND tỉnh - cho rằng: “Dù bảo vệ rừng được 99%, nếu còn có 1% phá rừng thì vẫn có thể giải quyết được, chứ không phải không thể. Chúng ta chỉ nói không thể với những cái xuất phát từ nguyên nhân khách quan như do trời, thời tiết... Còn việc phá rừng là nguyên nhân chủ quan thì phải ngăn chặn, đề nghị phải xử lý kịp thời, kiên quyết”.
Ông Tùng ra “tối hậu thư”, trong thời gian tới địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
“Thủ tướng nói rồi, ở tỉnh có phá rừng thì Chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm, huyện có phá rừng Chủ tịch huyện chịu trách nhiệm. Đề nghị các huyện chỉ đạo chấm dứt tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép” - ông Tùng yêu cầu.