Theo ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định, theo nghị định 67 của Chính phủ địa phương này đã đóng mới được 47 tàu cá vỏ thép (đi vào sản xuất 45 tàu). Tuy nhiên, hiện nay có 20 tàu bị hư hỏng, rỉ sét được đóng tại công ty TNHH MTV Nam Triệu và công ty TNHH Đại Nguyên Dương vẫn đang chờ sửa chữa. Các tàu cá hư hỏng về vỏ, máy móc, thiết bị đánh bắt… do các doanh nghiệp làm ăn gian dối gây ra.
Sau nhiều lần cơ quan chức năng yêu cầu xử lý, ngư dân có tàu hư hỏng cùng 2 cơ sở đóng tàu đã thống nhất phương án sửa chữa, khắc phục tàu. Địa điểm khắc phục được thống nhất tại cở sở đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định).
Tàu 67 hư hỏng hàng loạt, ngư dân Bình Định nằm bờ chờ sửa chữa. Ảnh: D.T
Sở NNPTNT đã báo cáo phương án khắc phục lên Bộ NNPTNT, đề nghị Bộ này cử 5 kiểm định viên của Trung tâm đăng kiểm tàu cá (Tổng cục thủy sản) vào thực hiện giám sát công tác khắc phục. Bên cạnh đó, Sở NNPTNT cũng sẽ thành lập Tổ giám sát cùng ngư dân kiểm tra việc sửa chữa, thời gian khắc phục từ ngày 15.8- 30.8.
“Ngoài ra, chúng tôi đã yêu cầu các ngư dân phải kê khai thiệt hại, kinh phí biển do tàu nằm bờ, nợ ngân hàng để yêu cầu các doanh nghiệp phải đền bù cho ngư dân”-ông Hổ cho hay.
Trước vụ việc hàng loạt tàu 67 nằm bờ, nhiều cử tri bức xúc kiến nghị cần xử lý “mạnh tay” đối với những doanh nghiệp làm ăn gian dối, gây ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp nhanh chóng sửa chữa, đền bù thiệt hại cho những ngư dân không thể vươn khơi.
Ông Nguyễn Thanh Tùng- Bí thư Tỉnh ủy Bình Định yêu cầu doanh nghiệp nhanh chóng sửa chữa tàu 67 để ngư dân ra khởi. Ảnh: D.T
Ông Nguyễn Thanh Tùng- Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: “Hiện nay, tỉnh Bình Định có số tàu 67 đóng mới bị hư hỏng nhiều nhất, hiện có 18/47 tàu đang nằm bờ. Hư hỏng này xuất phát từ việc các công ty đóng tàu không thực hiện đúng hợp đồng, máy không chính hãng, thép không đúng như hợp đồng, chất lượng không đảm bảo… nên 1 số tàu ra khơi vài chuyến biển, đành về bờ không ra khơi được. Điều này đã gây khó khăn cho ngư dân”.
Theo ông Tùng, chi phí đóng mới một con tàu ngư dân phải bỏ ra khoảng 18 tỷ đồng. Số tiền này, bà con vay ngân hàng để đóng mới chứ không phải nhà nước cho. Vì vậy, mỗi quý họ phải trả lãi lẫn gốc đúng hẹn cho ngân hàng, nếu không ra khơi được thì ngư dân không biết lấy tiền từ đâu để trả nợ?.
“Tôi đề nghị Sở NNPTNT phối hợp cơ quan chức năng. Yêu cầu các cơ sở đóng tàu có liên quan sửa chữa kịp thời, thực hiện đúng pháp luật… quyết tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân. Công ty nào đóng tàu 67 hư hỏng không hợp tác khắc phục hư hỏng thì chính quyền phải có biện pháp, phối hợp luật gia, ngư dân… để khởi kiện công ty ra tòa. Con tàu đóng 18 tỷ đồng đi 30 năm mới có lãi mà chỉ đi vài chuyến biển đã hỏng thì ngư dân sao chịu được”- ông Tùng khẳng định.