Clip: Ra mép biển cạy đá kiếm cơm
Xả đảo Thạnh An nằm tách biệt khỏi huyện Cần Giờ (TP.HCM) khoảng 30 phút đi tàu. Do địa hình trũng thấp, lại nằm cuối nguồn hai con sông lớn là Thị Vải và Lòng Tàu, xã phải có tuyến kè đá bao quanh để bảo vệ, chống chọi việc sạt lở.
Dãy kè đá này cũng là môi trường lý tưởng để hàu sống bám và sinh sản.
Lật trở từng viên đá nơi hàu còn sống, bà Nguyễn Thị Lật dùng một cái búa sắt có một đầu vuốt nhọn, gõ nhẹ vào vỏ hàu rồi nhẹ nhàng lấy phần thịt.
Bà Lật kể: “Do cách trở về mặt địa lý nên cư dân trên sống đảo chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản, làm muối và chăm sóc rừng. Việc nạy hàu trên bãi đá chỉ là tận dụng thêm công nhàn rỗi, kiếm tiền trang trải thêm cuộc sống”.
Khác với hàu có kích thước lớn được thả nuôi trên sàn hoặc bè nổi, những con hàu tự nhiên chỉ nhỏ bằng phân nửa quả trứng gà.
Vì công nạy hào khó nhọc, số lượng ít, kích thước nhỏ nên loại hàu này không được ưa chuộng trong nhà hàng, quán ăn mà chỉ phục vụ cho bữa cơm thường ngày của các hộ dân trong vùng.
Nếu hàu nuôi được các quán ăn, đại lý hải sản bán với giá từ 30.000 – 50.000 đồng/kg hoặc 7.000 - 9.000 đồng/con loại còn vỏ, hàu tự nhiên chỉ có giá 80.000 đồng/kg thịt. Thế nhưng hương vị của hàu này ngon, ngọt hơn hẳn hàu nuôi.
Người nạy hàu phải mang theo một xô nước sạch. Nạy thịt xong thì thả ngay vào rồi về nhà rửa lại cho sạch vỏ vụn còn dính. Nhưng không nên rửa nhiều, sẽ làm trôi mất vị ngọt và lớp sữa bao quanh.
“Hàu có thể dùng nấu cháo, chiên bột, ăn sống với mù tạt, thậm chí ăn tươi ngay tại chỗ… cũng rất ngon”, bà Lật khoe.
Một buổi cạy hàu, một người có thể thu được hơn 1kg hàu thịt, bán được gần 100.000 đồng, đủ để gia đình xoay xở hoặc cho những đứa trẻ mua thêm dụng cụ học tập…
Từ trên bờ đê nhìn ra mép nước ngoài bãi biển, công việc này hầu như chỉ có trẻ em và phụ nữ tranh thủ làm thêm.
Chỉ tay bãi đá lô nhô, trắng hếu vỏ hàu đã khai thác từ trước, My kể: “Làm việc này mà không cẩn thận dễ bị vỏ hàu cứa đứt tay, chân. Nhưng làm riết thì quen. Công việc cứ bắt đầu từ khi nước rút đến khi nước lên ngập bãi thì ngưng”. Em Trần Hải My (học sinh lớp 8, cháu bà Lật) cho biết, mỗi ngày sau giờ học em kiếm thêm được 50.000 – 80.000 đồng từ việc cạy hàu này.
Những năm gần đây, khi du lịch sinh thái phát triển, công việc này cũng không còn thu hút nhiều lao động nhưng đôi khi lại là trải nghiệm thú vị với du khách thập phương.