Dân Việt

Nhiều biện pháp kiểm soát và phòng chống tác hại của thuốc lá

Thùy Anh (thực hiện) 19/07/2017 09:00 GMT+7
Hiện nay Việt Nam đang là 1 trong 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Thuốc lá đã và đang gây ra những tổn thất to lớn cả về kinh tế lẫn sức khỏe cho người dân. Trước thực trạng này, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm – Chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá của Tổ chức WHO tại Việt Nam đã có cuộc trả lời PV Báo NTNN xung quanh các giải pháp kiểm soát và phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) tại Việt Nam.

Một số chuyên gia cho rằng Việt Nam nên tăng thuế và giá thuốc lá nhằm kiểm soát, hạn chế sử dụng thuốc lá. Ý kiến của ông thế nào về vấn đề này?

img

Thuốc lá nhập lậu được tiêu hủy tại Cần Thơ.

- Tôi khá đồng tình với phương án này. Thực ra vấn đề này cũng đã và vẫn đang được nhiều chuyên gia của Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến cáo. Nếu Chính phủ làm tốt hơn nữa việc kiểm soát thuốc lá đặc biệt là việc kiểm soát thuế sẽ làm giảm số lượng người sử dụng, giảm số người bệnh, giảm chi phí y tế đồng thời giúp tăng nguồn thu của Chính phủ. Việc kiểm soát thuốc lá thông qua thuế là biện pháp “cùng thắng”.

Tuy nhiên có ý kiến lại lo sợ, tăng thuế sẽ làm tăng tỷ lệ buôn lậu thuốc lá nhằm trốn thuế. Ông có quan ngại về vấn đề này không?

- Tôi cho rằng không nên lấy lý do lo sợ tăng thuế sẽ tăng buôn bán thuốc lá lậu. Nguyên nhân sâu xa không chỉ dừng lại ở vấn đề thuế và giá. Hiện nay Việt Nam đang duy trì thuế nhập khẩu thuốc lá khá cao lên tới 135%, đây có thể cũng là rào cản khiến cho các vụ buôn lậu thuốc lá nhiều hơn. Tuy nhiên, đây là tác dụng phụ không mong muốn của việc đưa rào cản với sản phẩm thuốc lá.

“Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia có số người hút thuốc cao nhất thế giới. Mỗi năm, có khoảng 40.000 người tử vong do các căn bệnh có liên quan tới thuốc lá. Đặc biệt, mỗi năm người dân Việt Nam đã chi mua thuốc lá số tiền là 22 nghìn tỷ đồng. tổng chi phí điều trị và tổn thất do bệnh tật từ thuốc lá gây ra mất mất hơn 23 nghìn tỷ đồng một năm”.

Số liệu từ Báo cáo của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá

Để công tác PCTHTL nói chung và thuốc lá nhập lậu nói riêng được kiểm soát có hiệu quả, theo ông Việt Nam cần có biện pháp kiểm soát và xử lý thế nào?

- Tôi cho rằng, Chính phủ và các Bộ ngành cần có chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, công an kiểm soát nghiêm ngặt thị trường nội địa. Theo đó, bắt toàn bộ thuốc lá nhập lậu tại các của hàng và phạt thật nặng, có như vậy công tác chống buôn lậu mới có hiệu quả. Thực tế những năm 1990, Chính phủ đã ra quyết định, bắt và phạt thật nặng các cửa hàng bán thuốc lá lậu, sau một thời gian thuốc lá nhập lậu giảm đi rất nhiều.

Vì vậy, tôi mong Chính phủ nên cân nhắc việc cấm tất cả công chức dùng thuốc lá nhập lậu, và bắt giữ thuốc lậu ở các cửa hàng bán lẻ. Đối với công tác xử lý, từ trước tới nay vẫn thực hiện phương pháp tiêu hủy thì Chính phủ nên tiếp tục thực hiện phương pháp này để đảm bảo kiểm soát thuốc lá nhập lậu được tốt hơn thay vì việc thực hiện thí điểm theo hướng bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất thuốc lá nhập lậu còn chất lượng như công văn mới đây của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài những vấn đề kiểm soát giá, kiểm soát thuốc lá nhập lậu,  tăng thuế nhập khẩu, ông còn có khuyến cáo nào cho Việt Nam để thực thi tốt hơn việc PCTHTL tại Việt Nam?

- Theo tôi ngoài những giải pháp đã trao đổi ở trên, Việt Nam cần có hành động giúp thực thi tốt hơn về môi trường không khói thuốc. Hiện nay vấn đề này chưa được làm mạnh bởi thiếu những cơ chế hỗ trợ. Theo quy định, nguồn thu từ Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá chỉ được dùng cho hoạt động truyền thông, xây dựng mô hình cộng đồng, cai nghiện thuốc lá… còn không được dùng cho hoạt động thanh tra, xử phạt do vậy, nhiều nơi việc thực thi môi trường không khói thuốc còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, toàn quốc chỉ có hơn 300 thanh tra y tế, mỗi tỉnh chắc chỉ khoảng 10 thanh tra viên. Theo tôi Bộ Y tế cần đầu tư thêm lực lượng chuyên trách về thanh tra xử phạt vi phạm thuốc lá. Ví dụ như Hồng Kông dù là quốc gia nhỏ nhưng họ có tới 120 thanh tra viên chuyên về thanh kiểm tra xử phạt về thuốc lá. Thổ Nhĩ Kỳ cũng vậy, ngoài thanh tra họ còn có đường dây nóng chuyên xử phạt. Chúng tôi cũng khuyến cáo Bộ Y tế cân nhắc thành lập một nhóm thanh tra nhỏ từ 5-6 người chuyên thanh kiểm tra thường xuyên xử phạt liên quan tới vi phạm về Luật phòng chống thuốc lá. Hiện nay cơ chế là có, mức xử phạt cũng là đáng kể nhưng cần phải có thanh tra chuyên ngành để thực hiện cơ chế đó thì hiệu quả mới cao.