Dân Việt

Làm sao để không nhiễm bệnh khi cắt bao quy đầu?

Diệu Thu 19/07/2017 09:55 GMT+7
Nếu cắt bao quy đầu được làm sớm sẽ hạn chế nguy cơ viêm quy đầu, viêm tiết niệu ngược dòng và ung thư dương vật.

Thông tin hàng loạt trẻ bị mắc sùi mào gà sau khi cắt bao quy đầu tại một phòng khám tư ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đã khiến nhiều cha mẹ hoang mang đặt câu hỏi: “Khi nào nên cắt bao quy đầu cho trẻ và cắt bao quy đầu ở đâu là an toàn?”

Chia sẻ với phóng viên, BS Nguyễn Bá Hưng, Trưởng Khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, hiện nay theo ước tính có khoảng từ 1-5% nam giới bị hẹp bao quy đầu bẩm sinh, cần cắt để mở thông quy đầu.

Nếu thủ thuật này làm sớm sẽ hạn chế được nguy cơ viêm quy đầu, viêm tiết niệu ngược dòng và ung thư dương vật.

img

BS Nguyễn Bá Hưng, Trưởng Khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

Hẹp bao quy đầu là tình trạng bao da che kín và bó chặt lấy quy đầu mà không thể lộn ra, nó chỉ hở lỗ nhỏ để nước tiểu và tinh dịch đi ra. Hẹp bao quy đầu có thể là bẩm sinh có thể là mắc phải. Trường hợp bẩm sinh bao quy đầu ngay từ khi sinh ra đã không thể lộn được ra do miệng của vòng bao da này quá nhỏ.

Khác với hẹp bao quy đầu sinh lý, hẹp bao quy đầu bệnh lý là hẹp thực sự.  Lúc này, cần can thiệp y tế. Mặt khác, đa phần trẻ em là hẹp bao quy đầu sinh lý, nếu vệ sinh, chăm sóc bao quy đầu tốt thì trẻ sẽ có thể hết. Do đó, nong tách bao quy đầu là không cần thiết nếu trẻ không bị viêm dính bao quy đầu.

PGS.TS.Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cảnh báo rằng, hiện nay sự chủ quan của cha mẹ cũng là một phần khiến trẻ bị nhiễm bệnh. Nhiều cha mẹ không nắm được kiến thức khi nào nên cắt bao quy đầu, tự ý đưa trẻ đến các cơ sở không được cấp phép để làm thủ thuật nong bao quy đầu, xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương khuyến cáo, việc vệ sinh bộ phận sinh dục bé trai và nong bao quy đầu là rất cần thiết, vì nếu không vệ sinh tốt, bộ phận sinh dục của trẻ dễ bị viêm nhiễm…

Khi nong tách bao quy đầu cần đến các cơ sở y tín, bác sĩ chuyên khoa tiết niệu hoặc nam khoa có uy tín, được đào tạo bài bản để được khám và tư vấn cụ thể.

Khi đưa trẻ đi khám, cha mẹ cũng nên học và hỏi cách chăm sóc bao quy đầu đúng cách, nhìn theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Nếu không chăm sóc và vệ sinh sạch sẽ, trẻ rất dễ nhiễm trùng và lây truyền các bệnh.  Nếu trẻ lớn, có khả năng tự chủ cha mẹ có thể là người động viên, khích lệ trẻ tự biết cách chăm sóc bao quy đầu.

Chuyên gia khuyến cáo, nếu thấy tia nước tiểu của trẻ không bình thường hoặc dương vật trẻ bị sưng, tấy, tốt nhất cha mẹ nên cho con đi khám để được tư vấn xem có nên cắt bao quy đầu hay không.

Đối với cha mẹ, hàng ngày khi tắm cho trẻ, phụ huynh nên vệ sinh và nong bao quy đầu cho trẻ. Việc vệ sinh có thể thực hiện bằng nước thường, không nhất thiết phải bằng nước muối sinh lý; Mỗi khi trẻ đi tiểu xong, cha mẹ hướng dẫn cho trẻ dùng ngón trỏ và ngón giữa kẹp vào đầu dương vật kéo da bao quy đầu, vẩy vẩy để nước tiểu không đọng lại.

Sốc: Hàng loạt bé trai bị sùi mào gà sau khi cắt bao quy đầu ở Hưng Yên

Sở Y tế Hưng Yên đang làm rõ nguyên nhân dẫn đến hàng loạt bé trai bị mắc bệnh sùi mào gà.