Nội dung công điện nêu rõ, mưa lớn liên tục trong tháng 6 vừa qua và ảnh hưởng từ cơn bão số 2 khiến mực nước trên các hồ thủy điện miền Bắc ở mức cao. Lúc 10 giờ sáng nay, mực nước ở hồ Hòa Bình ở cao trình 105,84 mét, trong khi đó, lưu lượng nước đổ về hồ là 3.060 m3/giây. Theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai lệnh: Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình mở 2 cửa xả đáy ở hồ thủy điện Hòa Bình.
Hồ thủy điện Hòa Bình sẽ xả lũ lúc 6 giờ chiều nay. Ảnh: IT
Cụ thể, 6 giờ chiều nay (18.7), hồ thủy điện Hòa Bình mở cửa xả thứ nhất và cho đến 6 giờ sáng mai (19.7) sẽ mở thêm cửa xả đáy thứ hai. Trong thời gian xả phải liên tục duy trì phát điện tối đa 8 tổ máy với tổng lưu lượng khoảng 2.400m3/giây.
Tùy theo diễn biến của mưa lũ thượng nguồn, có thể tiếp tục mở thêm các cửa xả đáy. Nhà máy thủy điện Hòa Bình theo dõi chặt chẽ lượng nước đến hồ, mực nước thượng và hạ lưu đập để báo cáo về Ban chỉ đạo và các cơ quan chức năng.
Công điện của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai lệnh cho thủy điện Hòa Bình phải mở đồng thời 2 cửa xả đáy.
Ngay trong trưa nay, lệnh mở cửa xả lũ ở Thủy điện Hòa Bình đã được thông báo đến Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương gồm: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương và Hải Phòng, để chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình vùng hạ du.
Hồ thủy điện Hòa Bình. Ảnh I.T
Cũng trong sáng nay (18.7) tại cuộc họp rút kinh nghiệm công tác ứng phó bão số 2, Bộ trưởng Bộ NNPTNT – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu: Các địa phương tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, khẩn trương tìm kiếm các thuyền viên còn mất tích trong vụ tàu vận tải chìm tại vùng biển Nghệ An; sẵn sàng phương án ứng phó ngập úng khu vực hạ du khi các hồ thủy điện phía Bắc xả lũ.
Bão số 2 mặc dù cường độ không lớn nhưng diễn biến bất thường, di chuyển nhanh gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Đến nay, bão đã làm 4 người chết, 5 người mất tích, 19 người bị thương; 53 tàu cá bị chìm; sập đổ và tốc mái hơn 4.000 ngôi nhà; ngập úng gần 50.000ha lúa và hoa màu; làm sạt lở nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ…
Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, 10 trong số 13 trong số thuyền viên tàu vận tải VTB 26 bị chìm tại đảo Ngư trên vùng biển của tỉnh Nghệ An đã được tìm thấy, các lực lượng đang được huy động tối đa cùng địa phương tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân còn lại.
Hồ chứa thủy điện ở Hòa Bình phải xả lũ để ứng phó với mưa lớn (ảnh minh họa).
Kết luận cuộc họp, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Vẫn còn tâm lý chủ quan trong neo đậu tàu, thuyền để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người và phương tiện. Cần rút kinh nghiệm về quản lý, tổ chức sắp xếp tàu thuyền cập bờ một cách hợp lý, khi người và phương tiện cập bờ phải kiên quyết bằng mọi biện pháp đưa người lên bờ và cư trú tại nơi an toàn.
Đồng thời quyết liệt hơn trong quản lý các phương tiện vãng lai, không để xảy ra trường hợp đáng tiếc như vụ chìm tàu vận tải VTB 26. Các địa phương tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống. Khẩn trương triển khai khôi phục hệ thống điện phục vụ dân sinh và tập trung bơm tiêu rút nước tại các khu vực bị ngập úng, khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau khi nước rút.
Đặc biệt lưu ý, trong thời điểm hiện nay, mực nước các hồ chứa thủy điện khu vực phía Bắc đã và vượt mức nước tối đa sẽ xem xét xả lũ theo quy trình vận hàng liên hồ chứa để đảm bảo an toàn, vì vậy các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho hạ du.