Không ảnh hưởng đến rừng?
Nhiều đại biểu phản đối, việc đầu tư xây nhiều thủy điện sẽ ảnh hưởng lớn đến đất rừng, đất sản xuất của người dân, gia tăng tình trạng phá rừng, do đó việc bổ sung thủy điện cần cân nhắc kỹ, tính toán, quan tâm an toàn hồ, đập thủy điện. Một số đại biểu không đồng tình việc bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện ở miền núi và đề nghị phát triển năng lượng khác ngoài thủy điện để đảm bảo tính bền vững, không phát sinh hệ lụy về môi trường.
Các đại biểu có ý kiến phản đối cho rằng, ngoài lợi ích về kinh tế, những tác động bất lợi, hậu quả đem lại từ thủy điện không ít, cần phải tính toán lâu dài, như: Mất đất sản xuất, khai thác rừng trái phép, diện tích rừng ngày càng thu hẹp, môi trường sinh thái bị ảnh hưởng, biến đổi khí hậu, tác động đến đời sống, tập quán sinh sống của đồng bào dân tộc (gắn liền với núi rừng).
Đập ngăn nước thủy điện Tà Vi giáp ranh huyện Nam Trà My và Bắc Trà My, gây khô hạn cho vùng hạ lưu của đập. Ảnh: CTV
Bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, phân tích: Việc đầu tư xây dựng thêm 4 thủy điện ở huyện Nam Trà My là không cần thiết và chưa tính đến vấn đề hệ lụy sâu xa. Xây thêm thủy điện này mới chỉ tính đến góc độ kinh tế nhưng vấn đề lâu dài như mất đất, mất rừng chưa được tính toán kỹ. “Tôi lo ngại việc xây dựng các thủy điện này thì diện tích đất rừng bị thu hẹp, sẽ tác động đến môi trường sinh thái, gây biến đổi khí hậu, đặc biệt là ảnh hưởng đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi gắn liền với thiên nhiên, gắn liền với rừng. Giờ chúng ta phá rừng, dần dần hậu thế sẽ nói chúng ta là tội đồ. Trước những thực trạng như vậy, có cần thiết phải có nhiều thủy điện như vậy không? Tôi chưa thấy có tỉnh nào quá nhiều thủy điện như Quảng Nam hiện nay” - bà Thủy đề cập.
Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: Việc xây dựng thêm 4 thủy điện trên địa bàn huyện là cần thiết và không có gì đáng lo ngại. Vì 4 thủy điện đang đề xuất xây dựng là loại thủy điện nhỏ, không ảnh hưởng đến tự nhiên, không ảnh hưởng đến người dân. “Hiện nay, tại huyện Nam Trà My chỉ có 1 đường dây trên 35kV nên thiếu điện, chiều nào cũng cúp điện, mùa mưa cúp điện cả tuần. Trong khi, địa phương đang phát triển cây dược liệu, đặc biệt là cây sâm, hiện Nam Trà My còn có cụm công nghiệp, nhiều tập đoàn lên đầu tư xây dựng. Có cụm công nghiệp mà không có điện thì sao họ làm?”.
Ông Bửu cũng cho biết thêm: Ông đã khảo sát nơi định xây 4 thủy điện, rõ ràng ở đó không có rừng, chỉ có rừng nứa thôi và không ảnh hưởng đến đất của nhân dân. “Tôi cam đoan việc xây dựng thủy điện không ảnh hưởng đến rừng, không ảnh hưởng đến người dân. Tất nhiên việc gì cũng có 2 mặt, nhưng mặt thiệt hại quá nhỏ so với cái lợi” - ông Bửu nói.
Cần xem xét lại
Tại kỳ họp này, UBND tỉnh Quảng Nam trình HĐND tỉnh đề án về sửa đổi, bổ sung quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn, theo đó đề xuất loại ra khỏi quy hoạch 2 dự án: Thủy điện Nước Xa và thủy điện Ag Rồng. Đồng thời bổ sung 4 dự án thủy điện tại huyện Nam Trà My gồm: Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah và Trà Leng. Như vậy, tổng số dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh sau khi bổ sung quy hoạch lần này 34 dự án. |
Tại xã Trà Don, huyện Nam Trà My, nơi dự kiến xây dựng thủy điện Nước Lah, đa số người dân trong xã đều không hề biết sắp tới xây dựng thủy điện tại địa bàn xã. Bà Hồ Thị Ni (55 tuổi, người dân xã Trà Don) cho biết: “Dân chúng tôi chỉ mới nghe thông tin huyện khảo sát và đề xuất xây dựng một thủy điện ở xã thôi, chứ cụ thể như thế nào và chừng nào triển khai xây dựng thì không rõ. Làm sao cũng được nhưng phải đảm bảo rằng không làm mất đất sản xuất của người dân và đặc biệt phải đảm bảo sinh kế cũng như chỗ ở cho chúng tôi, không phá rừng nhiều”.
Tại nghị trường, nhiều đại biểu kiến nghị, huyện Tây Giang đang có 2 dự án thủy điện dang dở, khởi công tháng 8.2008, hiện nay đường dây 110KW vẫn chưa xong, đền bù cho dân trong vùng dự án vẫn chưa xong. Đề nghị UBND tỉnh có chỉ xử lý dứt điểm đền bù phát sinh. Cần cân nhắc tính toán đầu tư thủy điện miền núi.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho rằng: 4 dự án thủy điện ở Nam Trà My mới chỉ đề xuất chứ chưa thống nhất thông qua quy hoạch. Theo quy hoạch chung, toàn tỉnh có 34 dự án thủy điện vừa và nhỏ, sau đó loại hai dự án Bông Miêu, Hà Ra, sau này loại thêm dự án thủy điện Nước Xa, Ag Rồng do diện tích chiếm đất rừng quá cao. Loại các thủy điện không đảm bảo ra ngoài, đưa vào các dự án có tiềm năng, đảm bảo môi trường. Bây giờ thêm vào 4, thì vẫn không thay đổi, vẫn là 34 dự án vừa và nhỏ, không tăng so với trước đây.
Ông Nguyễn Ngọc Quang - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Việc quy hoạch bổ sung các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh cần phải xem xét lại, nhất là 4 dự án thủy điện tại huyện Nam Trà My”./.