Dân Việt

Đã nghèo còn già thì phải làm thế nào?

Diệu Linh 19/07/2017 15:13 GMT+7
Già hoá dân số vốn là đặc trưng ở các nước thu nhập cao thì nay đang xảy ra nhanh ở Việt Nam, vốn là nước có thu nhập trung bình. Chúng ta sẽ phải làm gì để đối phó với một xã hội “ít người làm, nhiều người phải chăm sóc”?

Vấn đề bức thiết này đã được lật đi lật lại suốt 2 ngày (17-18.7) diễn ra Hội thảo Hội thảo quốc tế Thích ứng với “già hóa” dân số. Ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi (NCT), chiếm 11% dân số. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng NCT Việt Nam chiếm 18% và năm 2050 là 26%.

Theo các chuyên gia, chúng đang già đi một cách chóng mặt. Nếu như các nước khác mất 60-70 năm để già thì Việt Nam chỉ mất hơn 20 năm. Cụ thể, Australia mất 73 năm, Hoa Kỳ 69 năm, Canada 65 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 10%) sang giai đoạn dân số già (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 20%) thì Việt Nam chỉ mất 22 năm.

img

Ngay từ bây giờ thanh niên cần được truyền thông để tích luỹ cho tuổi già. Ảnh: Đàm Duy

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: “Già hóa” dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất trên thế giới hiện nay. Trung bình cứ 1 giây có 2 người bước vào tuổi 60, tức mỗi năm thế giới có thêm khoảng 58 triệu người trên 60 tuổi. Trung bình cứ 9 người sẽ có 1 người trên 60 tuổi và tỷ số này sẽ là 5:1 vào năm 2050. Việt Nam cũng là nước đang có tốc độ già hóa nhanh, do đó chúng ta cần phải có nhiều giải pháp để ứng phó với thế giới nhiều người già. 

Ông Tân nhận định, vấn đề già hóa dân số vốn là đặc trưng ở các nước thu nhập cao thì nay đang xảy ra nhanh ở Việt Nam, vốn là nước có thu nhập trung bình. Điều này có thể tạo áp lực rất lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Bởi khi dân số già, người làm ít, người hưởng lương hưu, cần chăm sóc với chi phí y tế lớn thì lại nhiều. Một người lao động có thể phải gánh 2-3 người phụ thuộc. Các nước giàu, lại có thời gian dài để chuẩn bị hạ tầng cơ sở, tích luỹ xã hội để đối phó với “đất nước già” thì Việt Nam vừa nghèo, vừa có thời gian quá ngắn để chuẩn bị.

Hiện nay, khoảng 70% NCT Việt Nam sống ở nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp; trên 70% NCT không có tích lũy vật chất và chỉ có chưa đầy 30% NCT sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội. Bên cạnh đó, đa phần NCT phải đối mặt với gánh nặng “bệnh tật kép”, chủ yếu là các bệnh mãn tính không lây nhiễm như: Đái tháo đường, đột quỵ, tắc nghẽn mạch phổi, thoái hóa khớp, sa sút trí tuệ… phải điều trị suốt đời.

Tuy nhiên, có một thực tế là khoảng 30% NCT tại Việt Nam không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, đồng nghĩa với việc 70% NCT sẽ phải tự chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình, trong khi giá các dịch vụ đang ngày một tăng.

Ông Nguyễn Hải Đạt (Tổ chức Lao động quốc tế) nhận định, để ứng phó với một xã hội “già” cần đảm bảo chế độ an sinh xã hội cho NCT cần có sự vào cuộc. Có thể khuyến khích người cao tuổi “hưu nhưng không nghỉ”, tiếp tục tham gia lao động tuỳ theo sức lực, trí tuệ để đóng góp cho xã hội; cải thiện khả năng đáp ứng của các dịch vụ công việc nhà nước cho nhu cầu của người lao động lớn tuổi…

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, sự chuyển đổi nhân khẩu học do “già hóa” dân số đang và sẽ tạo ra những tác động rất lớn đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc như sự tăng trưởng kinh tế; lao động việc làm; chăm sóc y tế; an sinh xã hội; sự chuyển dịch các dòng di cư; thiết kế hạ tầng. Do đó, để xây dựng xã hội thích ứng với “già hóa” dân số, trước hết cần thay đổi nhận thức của người dân về NCT, nghĩa là NCT không phải là gánh nặng mà một nguồn lực của gia đình, cộng đồng. Theo đó, “già hóa” dân số vừa là thách thức nhưng cũng đem lại những cơ hội không nhỏ đối với sự phát triển của mỗi quốc gia.