Dân Việt

Bệnh “muỗi đốt”

29/09/2011 19:09 GMT+7
(Dân Việt) - Về mặt dịch tễ học, tay chân miệng là một bệnh nhẹ, sẽ tự khỏi chỉ sau 7-10 ngày- một căn bệnh thuộc loại "muỗi đốt". Nhưng căn bệnh “muỗi đốt”, thậm chí "không cần điều trị", cho đến nay- đã gây ra cái chết cho 111 đứa trẻ thì rõ ràng không thể xem thường.

Còn nhớ, ngay sau khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định hùng hồn: "Tay chân miệng đã bùng phát thành dịch rồi chứ không còn là nguy cơ nữa". Bấy giờ đã có tới 32.000 người nhiễm bệnh. 81 trong số đó, toàn bộ là những đứa trẻ, đã chết.

Nhưng chỉ 2 ngày sau tuyên bố của Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cải chính lại là sẽ không có chuyện công bố dịch. Trong mấy lý do để "chưa thể công bố", có lẽ Bộ Y tế ngại nhất điều kiện: "Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế...".

Thực tế thì Thứ trưởng Huấn đã không chấp nhận con số 32.000 ca nhiễm bệnh và 81 trường hợp tử vong là "vượt quá khả năng kiểm soát". "Bộ chỉ công bố dịch trên toàn quốc trong trường hợp có 2 tỉnh trở lên công bố dịch"- Thứ trưởng Huấn nói.

Đến giờ, chưa địa phương nào chịu thừa nhận sự bất lực trong việc kiểm soát dịch bệnh. Cục Y tế dự phòng thì cho rằng miền Bắc đã không để xảy ra ổ dịch lớn tại cộng đồng, trường học, nhà trẻ. Bộ Y tế thì vẫn tiếp tục khẳng định: Bệnh vẫn trong tầm kiểm soát. Đương nhiên không có chuyện công bố dịch...

Có lẽ ngành y tế sẽ chẳng bao giờ thừa nhận sự bất lực bởi đó chỉ là một căn bệnh “muỗi đốt".

Nhưng dù là bệnh “muỗi đốt", tay chân miệng lại là một bệnh dễ lây lan. Những đứa trẻ có thể ngay lập tức nhiễm bệnh khi tiếp xúc với dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ bọng nước... của những người nhiễm bệnh.

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Thanh Dương vừa thừa nhận: “Tay chân miệng ở nước ta có thể gia tăng số mắc, tử vong từ nay đến tháng 11 do chưa có vaccin phòng bệnh và không có thuốc điều trị đặc hiệu". Sau "thú nhận" của ông, dư luận, đặc biệt là thân nhân của những đứa trẻ nhiễm bệnh sốc nặng. Bệnh tay chân miệng không phải là bệnh mới, không phải là bênh hiểm nghèo, không có dịch, không phải vừa xảy ra hôm qua, vậy thì trong suốt thời gian căn bệnh hoành hành, Bộ Y tế đã làm gì mà đến giờ vẫn trả lời chưa có vaccin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu?

Bộ Y tế cần thêm bao nhiêu ca nhiễm bệnh, chờ các địa phương đến bao giờ mới chấp nhận "vượt quá khả năng kiểm soát". Không lẽ sinh mạng của những đứa trẻ không lớn hơn một dòng "không để xảy ra dịch bệnh lớn" trong bản báo cáo thành tích cuối năm của Bộ Y tế! n