Dân Việt

Trồng nấm dễ làm, hiệu quả cao

29/09/2011 20:09 GMT+7
(Dân Việt) - "Tôi cũng đã từng nghĩ, rơm rạ là thứ bỏ đi. Khi được học nghề trồng nấm, tôi mới biết, cái thứ bỏ đi ấy nếu biết cách làm, nó không chỉ ra tiền, mà còn ra rất nhiều tiền" - anh Lê Văn Thắng, xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng, Nam Định) tâm sự.

Gặp ông Đới Văn Ngọc - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề (TTDN) huyện Nghĩa Hưng khi ông đang chỉ đạo bà con tưới cho nấm. Cầm những tai nấm trắng phau, ông Ngọc hồ hởi: "Nấm mọc trắng hết bàu thế này là cầm chắc lãi 7 triệu đồng/tấn nguyên liệu".

img
Người lao động học trồng nấm ở Trung tâm Dạy nghề Nghĩa Hưng.

Dễ làm, hiệu quả cao

Nói về duyên nghề với nấm, ông Ngọc cho hay, ông xuất thân từ nông dân nên rất quen thuộc với rơm rạ. Có điều ông rất buồn là hễ gặt xong bà con lại vứt rơm rạ bừa bãi ngoài đường, xuống mương, xuống ao gây tắc nghẽn. Ngoài ra, hàng chục thậm chí cả trăm hộ cứ chiều là đốt rơm, khiến khói mù mịt cả mấy làng.

"Tôi nghĩ mình phải làm cái gì đó để tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào này. Suy đi tính lại, tôi quyết định chọn nghề trồng nấm rơm để dạy cho bà con, vì làm nấm rơm đầu tư thấp, cho lãi cao, ít rủi ro. Dạy cho nông dân là phải dạy nghề gì vừa thiết thực gần gũi, vừa dễ hiểu, dễ làm và đạt hiệu quả kinh tế" - ông Ngọc bày tỏ.

Theo ông Ngọc, dạy nghề theo kiểu trao cần câu cho người dân là chưa đủ. Cho họ cần câu rồi phải dạy họ cách sử dụng cần câu làm sao để câu được cá và câu thế nào để được nhiều cá mới quan trọng. Ông Ngọc lý giải: "Mình phải nắm được họ cần nghề gì, thế mạnh của địa phương và đầu ra của sản phẩm để đưa nghề vào dạy cho thích hợp. Tránh chạy theo thành tích, dạy nghề theo kiểu "nhổ lúa… trồng đay" thì dân chết đói, chứ sống với nghề làm sao được".

Sống khỏe với nghề

Từ năm 2006 đến nay, TTDN Nghĩa Hưng đã dạy nghề trồng nấm cho 5.000 hội viên Hội ND trong và ngoài huyện. Điều đáng mừng là khoảng 35% số hộ đang sống khỏe với nghề, với thu nhập hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Có được thành công này, Trung tâm trải qua rất nhiều khó khăn. Đã có lúc phong trào trồng nấm rộ lên, rồi lụi dần. Do nấm làm ra không bán được, vì đây là loại thực phẩm mới, cộng với sự thiếu hiểu biết nên nhiều người tiêu dùng sợ nấm độc.

Đứng trước khó khăn đó, nhân viên TTDN và đích thân Giám đốc Đới Văn Ngọc phải mang nấm ra chợ biếu bà con dùng thử, rồi vào cả nhà hàng tận tay chế biến cho khách dùng. "Có công mài sắt có ngày nên kim", giờ đây, nấm đã trở thành món ăn ngon, thực phẩm sạch được nhiều người lựa chọn. Nó đã giúp cho hàng nghìn người quê ông có công ăn việc làm, nhiều hộ thoát nghèo, giàu lên.

img Dạy nghề theo kiểu trao cần câu cho người dân là chưa đủ. Cho họ cần câu rồi phải dạy họ cách sử dụng cần câu làm sao để câu được cá và câu thế nào để được nhiều cá mới quan trọng. img

Ông Đới Văn Ngọc - Giám đốc TTDN huyện Nghĩa Hưng

Anh Lê Văn Thắng - một trong những chủ trang trại nấm ở xã Nghĩa Thái với doanh thu hàng chục triệu đồng mỗi năm cho hay: "Nếu tìm được đầu ra ổn định, thì trồng nấm nhàn và thu nhập khá cao. Trung bình 40 ngày/lứa, 1 tấn nguyên liệu cho từ 7 - 8 triệu đồng".

Không chỉ dạy bà con trồng nấm rơm, mà còn dạy mùa nào nấm đấy. Mùa hè, trung tâm dạy bà con trồng nấm rơm, mùa đông trồng nấm mỡ, mùa thu trồng nấm linh chi, nấm sò… Học đến đâu, bà con được thực hành đến đó nên hiệu quả rất cao.

Chị Nguyễn Thị Hằng (xã Nghĩa Thái), một trong những hộ thoát nghèo nhờ nấm, phấn khởi nói: "Nhờ học nghề trồng nấm mà tôi đã xây nhà, mua xe máy và nhiều đồ dùng sinh hoạt. Năm ngoái, trừ chi phí, tôi lãi 60 triệu đồng, năm nay đến giờ cũng được gần 50 triệu đồng rồi".