Từ câu chuyện cá nhân…
Câu chuyện có khởi đầu đơn giản, khi võ sư Francois Flores (môn phái Vịnh Xuân Nam Anh, 41 tuổi) tại Canada thông qua mạng xã hội gửi thư thách đấu võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt (môn phái Nam Huỳnh Đạo). Vì nhiều lý do, ông Kiệt đã né tránh lời thách đấu này. Tuy nhiên khi sự việc trên chưa ngã ngũ thì bất ngờ Flores nhận được lời thách đấu từ võ sư Đoàn Bảo Châu (môn phái Karatedo, 52 tuổi) và sau đó là võ sư Trần Lê Hoài Linh (môn phái Vịnh Xuân chi phái Hà Nội, 61 tuổi). Cả hai trận thách đấu đều đã diễn ra với phần thua thuộc về người thách đấu, trong đó võ sư Đoàn Bảo Châu bị hạ gục theo cái cách không mong muốn nhất : knock out và không thể gượng dậy do dính đòn liên hoàn vào vùng mặt, với cú đá kết liễu đậm chất đường phố của Flores.
Mặc dù cả ba vị võ sư trong sự kiện này đều cho rằng đây chỉ là giao lưu võ học và dưới tư cách cá nhân, nhưng dường như những gì diễn ra không như họ nói. Việc thách đấu của võ sư Đoàn Bảo Châu được ông này đưa lên mạng xã hội cập nhật chi tiết thư từ trao đi đổi lại hàng tháng trời trước khi trận đấu diễn ra, được quay phim chụp ảnh và theo ngôn từ mà nói, phàm là thách đấu thì đã mang ý nghĩa tỷ thí chứ không đơn thuần chỉ là chuyện giao lưu trao đổi võ học. Thế nên lẽ ra từ chuyện chỉ một vài người biết nếu là chuyện cá nhân, vụ thách đấu được toàn bộ làng võ nước nhà biết đến và cú đá hạ gục võ sư Đoàn Bảo Châu đã khiến chính võ sư này phải tốn nhiều giấy mực trần tình với bạn bè, học trò một cách khá chua xót. Ấy là nhận xét ở bề mặt câu chuyện, còn thực sự câu chuyện ấy được lộ ra cho mọi người đều biết một cách vô tình hay cố ý thì chỉ những người trong cuộc mới hiểu rõ.
Cú đá knock-out võ sư Đoàn Bảo Châu của Flores khiến làng võ Việt dậy sóng.
Làng võ nước nhà không đứng ngoài sự kiện nói trên. Sau trận thách đấu của hai võ sư Flores và Đoàn Bảo Châu, ông Hoàng Vĩnh Giang, Chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam cho rằng “có hàng chục cao thủ Việt Nam hạ được Francois Flores”. Có vẻ như điều này được chứng minh khi ngay sau đó hàng loạt lời thách đấu được gửi tới Flores từ các võ sư, võ sỹ ở nhiều môn phái, võ phái khác nhau tại Việt Nam. Với bối cảnh có hàng triệu người học võ và số đông hơn thế ham thích võ thuật thì con số mà ông Giang đưa ra còn là quá ít. Phải có hàng trăm, hàng ngàn cao thủ Việt Nam hạ được Flores ấy chứ. Nhưng liệu con số định lượng ấy có ý nghĩa gì.
…nhìn về làng võ nước nhà
Dễ thấy các võ đường, lò võ hay lớp dạy võ đều không giới thiệu rằng học võ ở đó để nâng cao sức khỏe hoặc giúp tăng cơ bắp, bởi nếu chỉ rèn luyện sức khỏe sẽ có nhiều môn thể thao khác hữu ích hơn là học võ, còn nếu muốn cải thiện cơ bắp, người ta thà đi tập thể hình. Võ thuật, không gì khác là cho người tập võ kỹ năng chiến đấu, để biết lượng sức mình, đánh giá đúng đối thủ và giúp họ sinh tồn khi rơi vào hoàn cảnh buộc phải giao thủ. Nhân nói đến lượng sức mình, những bộ binh pháp quân sự hay yếu quyết võ học từ ngàn xưa đều nói đến cách lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh. Nhưng để làm được điều đó, phải có phương pháp phù hợp trên cơ sở đánh giá đúng đối thủ “biết địch biết ta” chứ không phải cái cách thách đấu mà hai võ sư lớn tuổi Đoàn Bảo Châu và võ sư Trần Lê Hoài Linh đã làm. Đơn cử trường hợp của võ sư Đoàn Bảo Châu, mặc dù đã được Flores khuyến cáo rằng mình cao hơn và nặng hơn rất nhiều nhưng ông Châu đã bất chấp tất cả để rồi nhận được trận thua thảm hại.
Kiểm chứng võ công “truyền điện” của Huỳnh Tuấn Kiệt – mục đích chính của Flores trong chuyến đi đến Việt Nam khó thành hiện thực.
Vấn đề là ở chỗ chúng ta không thể biết hiện nay đang có bao nhiêu võ sư giống như võ sư Đoàn Bảo Châu và võ sư Trần Lê Hoài Linh, với tư duy sẵn sàng thách đấu bất cứ đối thủ nào dù thua cũng được, miễn là sau khi thua mà chân thành nhận thua thì sẽ được coi là dũng cảm và thượng võ. Tôi thực sự ngạc nhiên khi xem được những lời trân tình được võ sư Đoàn Bảo Châu đăng trên mạng xã hội sau trận thua ấy, bởi ngoài việc chấp nhận thất bại và nêu ra những lý do như diện tích thi đấu chật hẹp hoặc việc ra đòn không quyết đoán, võ sư này dường như vẫn cho rằng việc thách đấu một đối thủ quá chênh lệch hạng cân như thế là chuyện bình thường. Và điều đáng ngại là chúng ta không biết hiện nay có bao nhiêu võ đường đang được những võ sư có tư duy theo kiểu “phép thắng lợi tinh thần của AQ” như thế giảng dạy, bởi cơ may sinh tồn của võ sinh học từ những võ đường ấy sẽ giảm đi rất nhiều một khi họ rơi vào tình huống nguy hiểm ngoài đời.
Trong vô số ý kiến liên quan đến hai trận thách đấu của võ sư Flores tại Việt Nam, đáng chú ý là một số ý kiến cho rằng những trận thua của võ sư Đoàn Bảo Châu và võ sư Trần Lê Hoài Linh sẽ “thúc đẩy phong trào học võ nước nhà”. Thành thực mà nói, tôi nghi ngờ điều ấy. Hệ quả thu được từ các trận đấu nói trên nếu có chăng chỉ là điều băn khoăn chẳng rõ cái chủ nghĩa anh hùng cá nhân bất chấp mọi hoàn cảnh thực tế đã kịp len lỏi tới đâu trong số hàng triệu người đang học và sẽ học võ vì niềm đam mê.
Lời kết
Hy vọng rằng “sự kiện Flores” sẽ không chỉ dừng ở mức là chiêu trò của giới truyền thông và chỉ hâm nóng thời sự làng võ Việt trong một vài ngày. Võ thuật, nếu được phát triển đúng cách với phong trào sâu rộng sẽ là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh cho nhiệm vụ bảo vệ quốc gia. Võ thuật cần được phổ biến rộng rãi hơn nữa trong học đường và ngay từ cơ sở học đường, các em học sinh cần được dạy về tinh thần thượng võ, về ứng xử đúng đắn của người học võ thay vì để các em ảo tưởng kiểu anh hùng cá nhân tào lao. Và nếu quả là cú đá của Flores có tác động tích cực tới làng võ nước nhà thì có lẽ sẽ cần thêm những cú đá theo kiểu ấy với tác dụng mang tính thức tỉnh, hơn là chỉ ngồi dự đoán xem có bao nhiêu cao thủ hạ được anh chàng Flores nặng cân chậm chạp.