Dân Việt

Miền quê của những nghề thủ công truyền thống

Thanh Thúy 23/07/2017 08:52 GMT+7
Từ lâu Quảng Uyên được du khách biết đến là một miền đất đậm nét văn hóa dân tộc. Nơi đây không những có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện mà còn là mảnh đất của nền văn hóa truyền thống với những làn điệu dân ca, đặc biệt là những làng nghề thủ công nổi tiếng, như: rèn, dệt, nhuộm vải Phúc Sen, hương Phja Thắp, ngói máng Tự Do, đan lát tre, nứa ở Quốc Dân... Mỗi làng nghề chứa đựng một ý nghĩa, một nét đẹp riêng.

img
Xưởng rèn của gia đình ông Tô Văn Thành, xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Uyên). Ảnh: Minh Tuyền

Nét đẹp mỗi làng nghề

Bên cạnh thiên nhiên ưu đãi đất đai màu mỡ, người dân Quảng Uyên với truyền thống cần cù, qua quá trình lao động, với bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo từ xa xưa đã xây dựng và phát triển nhiều nghề, làng nghề truyền thống tiêu biểu cho vùng nông thôn thuần túy nông nghiệp của đồng bào nơi đây. Về Quảng Uyên, chúng tôi đến với xã Phúc Sen - “chiếc nôi” của nhiều nghề truyền thống của đồng bào Nùng An. Phúc Sen được biết đến với nhiều nghề truyền thống, như: rèn nông cụ, nhuộm vải chàm, dệt vải...

Có lẽ nghề truyền thống đặc sắc đầu tiên của Phúc Sen phải kể đến là nghề rèn nông cụ. Nghệ thuật rèn nông cụ ở đây đã phát triển lên một đỉnh cao rực rỡ với sự góp mặt của nhiều đời nghệ nhân. Các thợ rèn đều tuân thủ theo một quy trình từ khâu chọn nguyên liệu đến kỹ thuật đốt lửa, quai búa… cộng với bí quyết riêng để tạo nên những sản phẩm nông cụ bền, đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Nông Văn Lợi, xóm Pác Rằng - có kinh nghiệm hơn 30 năm làm rèn cho biết: Hiện cả xã có 6/10 xóm với 157 hộ làm nghề rèn, trong đó có 358 thợ lành nghề và hàng trăm thợ phụ, mỗi năm sản xuất khoảng 100.000 sản phẩm nông cụ các loại. Nhiều gia đình làm rèn, nhưng mỗi gia đình đều có bí truyền riêng để làm ra sản phẩm bền, đẹp nên từ xưa đến nay, những sản phẩm rèn của Phúc Sen làm ra đều được khách hàng ưa chuộng. Những năm gần đây, Phúc Sen không chỉ được biết đến là một địa chỉ sản xuất nông cụ nổi tiếng mà còn là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm, khám phá.

Dưới sàn nhà, bên lò rèn đỏ lửa, những người đàn ông, con trai tay đe, tay búa nhịp nhàng vang tiếng leng keng, trên nhà, chị em phụ nữ đảm đang bên khung cửi tay thoi, tay quay dệt vải. Bà Nông Thị Sầu, xóm Đâư Cọ, xã Phúc Sen hơn 70 tuổi nhưng chưa ngày nào bà muốn rời khung cửi. Nhanh tay quay thoi, bà vừa làm vừa bộc bạch: Tôi biết dệt vải từ khi còn là một cô bé chăn trâu.

Thời đó, cả vùng Quốc Dân, Đoài Khôn, Phúc Sen (Quảng Uyên), nhà nhà có khung cửi, phụ nữ, con gái từ già tới trẻ ai cũng biết dệt. Con gái trước khi lấy chồng phải tự dệt vải, cắt, khâu quần áo để mang về nhà chồng. Có nhà có tới 2 - 3 khung cửi, nhà càng có nhiều con gái càng nhiều khung cửi. Bây giờ vải vóc có nhiều, quần áo rẻ nên bà con dần dần không dệt vải nữa.

Tuy nhiên, riêng vùng Phúc Sen đồng bào Nùng An vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống là mặc quần áo chàm của dân tộc mình, nên đến nay vẫn còn khá nhiều hộ vẫn duy trì nghề dệt vải, nhuộm chàm. Riêng xóm Đâư Cọ (có 60 hộ) cơ bản bà con vẫn còn giữ nghề dệt để phục vụ nhu cầu của đồng bào mình.

Mang theo âm thanh rộn rã của làng nghề Phúc Sen, chúng tôi đến làng làm hương Phja Thắp, xã Quốc Dân và làng đan lát Lạn Dưới, xã Đoài Khôn. Phja Thắp là làng làm hương từ lâu đời, được nối tiếp qua nhiều thế hệ. Hiện, cả 51 hộ dân trong làng đều làm hương với một “cái tâm” trong sáng với nghề: không cẩu thả, không làm kém chất lượng.

Cũng vì lẽ đó mà trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử nhưng đến nay nghề làm hương ở Phja Thắp vẫn tồn tại và góp phần nâng cao thu nhập cho bà con. Còn làng đan lát Lạn Dưới cũng nổi tiếng bởi các sản phẩm đan lát từ tre, nứa. Ông Vương Văn Đại biết đan lát từ năm 12 tuổi, nay đã gần 60 tuổi, đôi tay ông không biết đã làm ra bao nhiêu sản phẩm mây tre, từ lồng gà, vịt đến những đôi sọt gánh, bồ đựng thóc...

Ông Đại tâm sự: Sản phẩm đan lát của xóm Lạn Dưới rất được người tiêu dùng trong vùng ưa chuộng. Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 8 âm lịch là thời điểm những sản phẩm, như: sọt gánh, bồ đựng thóc bán được nhiều nhất. Có những phiên chợ cả làng mang ra chợ bán hàng trăm đôi sọt, bồ đựng thóc, với giá 100 - 120 nghìn đồng/đôi. Nghề đan lát này không những góp phần đem lại thu nhập cho người dân mà còn gìn giữ nét đặc trưng của dân tộc, một phong tục, tập quán canh tác nông nghiệp lâu đời của bà con.

Về làng nghề ở Quảng Uyên phải kể đến nghề làm ngói máng ở xã Tự Do. Sản phẩm ngói máng Tự Do nổi tiếng vừa bền, vừa đẹp, không chỉ tiêu thụ trong vùng mà vượt ra cả các huyện trong tỉnh, như: Phục Hòa, Thạch An, Trùng Khánh, Trà Lĩnh... Gọi là ngói Tự Do nhưng thực chất chỉ có 3 xóm của xã làm ngói, gồm: Lũng Rì, Lũng Các, Kéo Rỏn. Bởi chỉ ở những xóm này mới có được loại đất làm ra viên ngói đẹp, bền hàng trăm năm không hỏng.

Theo người dân xóm Lũng Rì, để làm ra được viên ngói, họ phải lấy được 3 loại đất đào sâu hơn chục mét mới có, gồm: đất đen, đất đỏ, đất sét về trộn với nhau theo một tỷ lệ nhất định rồi cho trâu dẫm, nhào 3 - 4 ngày mới có thể lên khuôn làm viên ngói. Sau đó đem vào lò nung 4 - 5 ngày nữa mới thành phẩm. Viên ngói đẹp, bền phải có màu đỏ đẹp, không cong, vênh và điều này phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm làm lâu năm cũng như bí quyết pha trộn đất.

Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống

Có thể thấy, những làng nghề truyền thống của Quảng Uyên không chỉ tạo được dấu ấn bởi sản phẩm tinh xảo được kết tinh từ đôi bàn tay khéo léo của người dân, mà qua quá trình lao động đã tạo nên tinh thần đoàn kết cộng đồng. Họ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách để gìn giữ nghề của cha ông mình, cũng là gìn giữ nét văn hóa truyền thống riêng của họ.

Theo ông Hoàng Văn Kim, xóm Phja Thắp, nghề làm hương của xóm có từ ngàn xưa, chúng tôi là thế hệ con cháu, phải có trách nhiệm gìn giữ và phát huy nghề truyền thống mà cha ông để lại.

Tuy nhiên, với cơ chế thị trường hiện nay, việc sản xuất ra được sản phẩm truyền thống là cả quá trình lao động vất vả, việc tìm kiếm thị trường và tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn gấp bội lần. Vì vậy, gìn giữ được nghề truyền thống cho đến ngày nay là cả quá trình nỗ lực của tập thể cộng đồng dân cư.

 Bên cạnh một số nghề thủ công truyền thống như rèn nông cụ, làm hương của đồng bào vẫn được trao truyền đến ngày nay, có nhiều nghề bị mai một, thậm chí có nguy cơ biến mất, do không đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất hàng loạt trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nguyên nhân của sự mai một do bà con bản địa thay đổi phong tục quê hương, không còn mặc trang phục dân tộc, cùng với đó thị trường tràn lan các mặt hàng vải vóc, quần áo cả trong và ngoài nước với giá rẻ nên bà con không còn “mặn mà” với nghề dệt vải, nhuộm chàm. Hoặc như nghề làm ngói, thời điểm hưng thịnh nhất vào các năm 1979 - 1985, ngói Tự Do có mặt ở khắp các huyện trong tỉnh và nhiều địa phương khác.

Ngày nay, ngói Tự Do đang phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm phibrô xi măng, tôn nội, ngoại trên thị trường. Hay như nghề đan lát ở Lạn Trên, Lạn Dưới, xã Đoài Khôn đã có cách đây hàng trăm năm, đến nay cũng đang đứng trước nguy cơ thất truyền bởi các sản phẩm từ nhựa được bày bán tràn lan, lại gọn nhẹ, tiện lợi hơn, nên nhu cầu về sản phẩm từ tre, nứa giảm.

Nghề đan lát trở thành việc làm thời vụ.Việc gìn giữ, phát triển nghề thủ công truyền thống không chỉ có giá trị về kinh tế, mang lại thu nhập cho bà con, mà còn là một trong những yếu tố rất quan trọng để gìn giữ văn hóa dân tộc. Bởi lẽ, nghề và làng nghề truyền thống là một bộ phận cấu thành văn hóa dân gian, chứa đựng nhiều yếu tố bản sắc dân tộc.

Mỗi nghề thủ công truyền thống của các dân tộc sinh ra và phát triển đều có câu chuyện, có tuồng tích, gửi gắm trong đó những lời răn dạy, những kiến thức của tiền nhân.Tuy nhiên, đến nay không riêng gì các làng nghề ở huyện Quảng Uyên mà tất cả các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đều chưa có được sự quan tâm, đầu tư đúng mức để bảo tồn.

Thiết nghĩ, việc khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống là cần thiết và cần có cơ chế chính sách hợp lý. Việc phát triển các sản phẩm nghề và làng nghề phải phù hợp với đời sống xã hội, gắn với thị trường tiêu thụ, phải có chính sách hỗ trợ gắn liền với tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thương hiệu, gắn làng nghề với những địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch...; giới thiệu rộng rãi và đưa sản phẩm thủ công truyền thống đến khách hàng, du khách trong và ngoài nước, để những nghề và làng nghề trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số được gìn giữ và phát triển, góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào các dân tộc.