Dân Việt

TP.HCM sẽ áp dụng công nghệ “biến” thải rác thành điện

Hứa Phương 19/07/2017 16:24 GMT+7
Bí thư Thành ủy TP.HCM mong muốn công nghệ xử lý rác do người Việt nghiên cứu phát triển sẽ được áp dụng thành công trong thực tế và thành phố sẽ áp dựng công nghệ này để “biến” thành điện năng.

Sáng 19.7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã có chuyến khảo sát và làm việc với dự án xử lý rác Gò Cát tại quận Bình Tân. Dự án do Công ty MTV Môi trường đô thị TP.HCM và Công ty TNHH Thuỷ Lực – Máy phối hợp đầu tư.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP.HCM tạo điều kiện để Công ty TNHH Thủy Lực - Máy tổ chức sản xuất thí điểm công nghệ mới lần đầu tiên ở trong nước và cũng là trên thế giới “biến” rác thành năng lượng mà không có những chất thải ra môi trường. Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM khi nhận việc này, thành phố mong muốn thử nghiệm mô hình có thể giải quyết nhu cầu bức thiết hiện nay, tạo điều kiện để các nhà sáng chế phát triển công nghệ. 

img

Ông Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp đi thị sát công nghệ xử lý rác sinh điện năng tại bãi rác Gò Cát

“Mặc dù công nghệ này đã được Bộ Khoa và Công nghệ kiểm tra nhiều lần với hơn 10 sáng chế về xác nhận tính khoa học, nhưng để sản xuất hàng loạt cần phải qua thực tiễn từ tổ chức sản xuất là rất quan trọng. Vì vậy, công ty cần tính toán hiệu quả kinh tế biến rác thành điện, tính bền vững của dự án, mô hình vận hành dự án...”, ông Nhân lưu ý và đề nghị công ty nên phối hợp với cơ quan chức năng thành phố cho người dân vào tham quan quy trình sản xuất của nhà máy.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng hiện nay, công nghệ xử lý rác của TP.HCM toàn nhập từ nước ngoài. “Đó là một điều rất đau khổ”, ông Nhân chia sẻ. “Tôi đã đọc công trình của anh Long và nó cho thấy khả năng sản xuất điện và xử lý rác tối ưu. Chúng ta có trách nhiệm phải nuôi dưỡng tinh thần đó lớn lên. Giỏi về xử lý rác cũng đáng tự hào lắm”, Người đứng đầu Thành uỷ TP.HCM nói.

Trước đó, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết UBND thành phố có chủ trương áp dụng công nghệ “biến” rác thải thành điện.

Theo ông Thắng, sau quá trình thực nghiệm có thể khẳng định, tính ổn định của dòng điện là có; vấn đề môi trường không bị ảnh hưởng; việc đốt rác thải công nghiệp thuận lợi.

“Trước đây, các đơn vị thống nhất thời gian thử nghiệm trên 3 tháng, sau đó có đánh giá chung làm cơ sở hoàn chỉnh công nghệ, đặc biệt khi đấu nối vào hệ thống phát điện. Trên cơ sở đó, trong báo cáo thành phố, doanh nghiệp sẽ đề xuất hoàn chỉnh dự án để tham gia xử lý rác thải sinh hoạt.

img

Hệ thống lò hóa khí

Còn ông Nguyễn Gia Long, Giám đốc Công ty TNHH Thủy Lực - Máy cho biết, hiện nay tiến độ việc triển khai lắp đặt, vận hành dây chuyền máy móc thiết bị công nghệ điện rác để xử lý rác công nghiệp chuyển hóa thành điện, tại khu xử lý chất thải rắn Gò Cát đã hoàn chỉnh.

Sau 50 ngày vận hành thử nghiệm, nhà máy đã xử lý 500 tấn rác thải công nghiệp, đã phát và hoà vào lưới điện quốc gia 7MW, thiết bị vận hành ổn định, viên nhiên liệu đạt yêu cầu tỷ số nén cho mục đích khí hóa, lò khí hoạt động ổn định...

Bãi rác Gò Cát có diện tích 25ha, toàn bộ thời gian chôn lấp rác thải sinh hoạt từ tháng 12.2000 và ngày 31.7.2007 tổ chức đóng bãi. Từ khi đóng bãi, khối lượng rác của bãi là trên 5,3 triệu tấn. Từ 2002, TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố để tổ chức thực hiện quản lý.