Ngày 28.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến các kỳ họp thứ 8, thứ 9 của Quốc hội khóa XII, thảo luận chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIII.
Về kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và thứ 9 của Quốc hội khóa XII, Ban Dân nguyện đề cập đến việc chưa ngăn chặn được tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục.
Cử tri nhiều địa phương tiếp tục kiến nghị Quốc hội xem xét lại việc quản lý, điều hành giá xăng dầu. |
Trên thực tế, ở nhiều địa phương, mức thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lại cao hơn gấp nhiều lần so với mức thu học phí. Nhiều cơ sở giáo dục đã lạm dụng quy định về đóng góp tự nguyện để huy động cha mẹ học sinh đóng góp kinh phí xây dựng, sửa chữa trường, lớp học; bồi dưỡng, thăm hỏi thầy cô giáo...
Về miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho đối tượng được hưởng (theo quy định tại Nghị quyết 35/2009 của Quốc hội), việc chậm thực thi là do cơ quan có thẩm quyền chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện. Vì vậy, đến nay nhiều địa phương chưa thực hiện được việc miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng được thụ hưởng.
Báo cáo của Ban Dân nguyện đã nêu lên một nghịch lý là trong khi các đối tượng chính sách như học sinh - sinh viên người DTTS, con hộ nghèo ở nhiều vùng chưa được giải quyết miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập thì vẫn có những học sinh là con hộ gia đình khá giả, có thu nhập cao nhưng vì có hộ khẩu thường trú ở địa bàn khó khăn lại được miễn, giảm học phí.
Bên cạnh đó, cử tri ở nhiều địa phương tiếp tục kiến nghị xem xét lại việc quản lý, điều hành giá xăng dầu, trong đó có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Dư luận xã hội vẫn còn nhiều bức xúc cho rằng việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không công khai, minh bạch... Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để Quốc hội xem xét, ra nghị quyết về việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Chiều 28.9, UBTVQH bàn về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII. Ngoài việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và nhiều dự án quan trọng khác, QH khóa XIII sẽ xây dựng Luật Biểu tình.
Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc ban hành luật này là cần thiết nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền của mình, đồng thời Nhà nước cũng có cơ chế kiểm soát hoạt động biểu tình trên thực tế.
Tất nhiên, nếu ban hành luật này thì cần chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, thời điểm xem xét, thông qua, điều kiện tổ chức thực hiện để tránh việc lợi dụng kích động quần chúng biểu tình gây rối trật tự an ninh.
Sỹ Lực