Global Times đe dọa sẽ có "đối đầu tổng lực" nếu Ấn Độ không rút quân khỏi Doklam. Ảnh minh họa: CCTV.
Global Times, tờ báo nổi tiếng với luận điệu cứng rắn của Trung Quốc, hôm 17/7 đăng bài xã luận bằng tiếng Anh, cảnh báo về một cuộc "đối đầu tổng lực" với Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng biên giới giữa hai nước kéo dài suốt một tháng qua ở cao nguyên Doklam thuộc Bhutan.
Căng thẳng bùng lên từ giữa tháng 6, khi quân đội Trung Quốc điều lực lượng công binh và máy móc cơ giới tiến vào vùng tranh chấp trên cao nguyên Doklam để xây dựng các công trình giao thông. Sau khi phản đối bất thành, Bhutan đã đề nghị Ấn Độ đưa quân đội tới Doklam để ngăn cản các động thái của phía Trung Quốc, theo Quartz.
Bắc Kinh lập tức cáo buộc New Dehli "xâm phạm lãnh thổ" và lên tiếng yêu cầu các lực lượng quân đội Ấn Độ rút về nước. Bài xã luận của Global Times khiến nhiều học giả Ấn Độ tin rằng đây là chủ trương của giới lãnh đạo Trung Quốc, lo ngại tình hình có thể leo thang thành một cuộc xung đột đẫm máu.
Tuy nhiên, Rajiv Ranjan, phó giáo sư Trường Nghệ thuật Tự do thuộc Đại học Thượng Hải, cho rằng những tuyên bố hùng hồn mà Global Times đưa ra chỉ là "đòn gió" và các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ cần tỉnh táo để không bị sập "bẫy khiêu khích" của tờ báo này.
Theo Ranjan, chỉ có 1-2% báo chí Trung Quốc được viết bằng tiếng Anh, chủ yếu là những tờ báo cổ súy cho chủ nghĩa dân tộc, trong đó có Global Times. Phần lớn những "chuyên gia" thường xuyên viết bài trên mục xã luận của tờ báo này lại có vốn kiến thức về chính trị không thực sự phong phú.
Hầu hết học giả Trung Quốc nổi tiếng của Trung Quốc đều viết bài bằng tiếng Trung và không được biết đến nhiều ở nước ngoài. Các nhà phân tích chính trị Ấn Độ thường không tiếp cận được với các bài bình luận của họ, thay vào đó là những bài viết với các cụm từ đầy đe dọa như "dạy một bài học" hay "xem xét lại chính sách của Trung Quốc với vùng Sikkim" trên các tờ báo tiếng Anh của Trung Quốc.
Cao nguyên Doklam, tâm điểm căng thẳng hiện nay giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Đồ họa: BBC.
Ngoài bài xã luận đầy ngôn ngữ kích động của Global Times, phần lớn báo chí Trung Quốc đưa tin về căng thẳng với Ấn Độ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, tuần trước đăng lại bài xã luận từ ngày 22/9/1962, nhằm nhắc nhở Ấn Độ về "bài học cay đắng" trong cuộc chiến tranh biên giới Trung - Ấn và cảnh báo rằng Trung Quốc có thể gây ra "thiệt hại lớn hơn nhiều so với năm 1962". Tuy nhiên, bài viết này nhanh chóng bị gỡ bỏ ngay sau đó. Phiên bản tiếng Trung của tờ báo không hề đăng bài xã luận, thậm chí không đưa tin về căng thẳng trên cao nguyên Doklam vào ngày hôm đó.
Hãng thông tấn Xinhua cũng chỉ đăng bài bình luận bằng tiếng Anh yêu cầu Ấn Độ "nhận ra sai lầm và thể hiện thành ý nhằm tránh tình thế nghiêm trọng hơn, tạo ra hậu quả lớn hơn".
Ranjan cho rằng các bài viết bằng tiếng Anh trên Global Times là một phần trong "chiến tranh tâm lý" để kích động các chuyên gia, cố vấn chính sách chiến lược của Ấn Độ có những động thái đáp trả, nhằm tác động đến tính toán của New Delhi đối với Bắc Kinh.
Chiến thuật này của Global Times phần nào đã ảnh hưởng đến dư luận Ấn Độ, khi nhiều tờ báo, kênh truyền hình tiếng Hindu dẫn lại bài bình luận của họ và coi đây như một động thái đe dọa từ Trung Quốc. Cuộc chiến truyền thông này có thể khiến người dân Ấn Độ có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc và ngược lại.
Đây có thể là yếu tố thúc đẩy Ấn Độ và Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán để tháo gỡ căng thẳng càng sớm càng tốt, nhưng truyền thông hai nước cũng phải hành xử một cách có trách nhiệm để không làm tăng nhiệt tình hình, Ranjan nhấn mạnh.