Dân Việt

Sốc: Muốn tốt cho con chỉ nên phạt đừng bao giờ thưởng

Tùng Anh 22/07/2017 08:30 GMT+7
Để khích lệ con học tập, khuyến khích con làm việc nhà, nhiều bậc phụ huynh đã “treo thưởng” bằng hiện vật, quà tặng, tiền cho con. Nhưng chuyên gia giáo dục cho rằng, "treo thưởng" chỉ có hại cho trẻ mà phạt mới là cách giúp trẻ tốt hơn.

Chị Nguyễn Thu Phương (Cầu Giấy – Hà Nội) có 2 cậu con trai đều đang học tiểu học (lớp 3 và lớp 5), khá nghịch ngợm và mải chơi. Không chỉ phải bỏ ra rất nhiều tiền để cho các con theo học các lớp phụ đạo, ở nhà chị Phương cũng mất khá nhiều thời gian kèm cặp các con học hành.

img 

Nhiều gia đình dùng tiền làm phần thưởng cho con mỗi khi con đạt thành tích (ảnh: IT)

Năm trước, chị Phương nghĩ ra sáng kiến, mỗi lần các con được khen chị sẽ cho các con 10.000 đồng để… đút lợn; cuối kỳ học mà được điểm cao sẽ thưởng một món đồ chơi các con yêu thích, có thể là xe đua địa hình, máy bay điều khiển từ xa...Cuối năm đạt thành tích học tập tốt sẽ thưởng 1 chuyến du lịch. Ngoài các phần thưởng về học tập, chị Phương còn có những phần thưởng riêng để khuyến khích các con làm việc nhà. Ví dụ: quét dọn nhà cửa, gấp đồ dùng gọn gàng được thưởng 1.000 đồng; thực hiện đúng thời khóa biểu học tập, vui chơi trong 1 ngày sẽ được thưởng 5.000 đồng…

“Thời gian đầu nhờ việc thưởng, các con hăng hái lắm, học hành cũng cố gắng và công việc nhà cũng chăm chỉ làm hơn. Tuy nhiên, thời gian sau đó thì phản tác dụng. Mỗi lần mẹ nhờ giúp việc gì hay sai bảo điều gì các con đều “ra điều kiện” với mẹ và hỏi: “Con làm thì có được gì không?”, hay vặn vẹo: “Con làm giúp mẹ sao mẹ không thưởng cho con?” – chị Phương kể.

Không chỉ có gia đình chị Phương, rất nhiều bậc cha mẹ đang sử dụng các phần thưởng trong giáo dục con cái. Anh Nguyễn Công Hùng (Hoàng Mai – Hà Nội) không dùng hiện vật nhưng thường thưởng cho các con bằng các sticker (hình dán), mỗi việc các con làm tốt, được khen sẽ tính là 1 hình dán. Sau đó, các con sẽ quy đổi hình dán này thành hiện vật: 5 hình dán được một món đồ ăn con thích, 15 hình dán là 1 món đồ chơi….

“Sau đó tôi nhận ra rằng, tất cả những việc con làm như ngoan ngoãn, nghe lời, chăm chỉ học tập hay giúp đỡ bố mẹ không xuất phát từ ý thức tự giác của con mà là từ sự “trao đổi”. Khi không có động lực là phần thưởng con sẽ không hứng thú với những công việc lẽ ra con phải tự làm nữa” – anh Hùng nói.

Chia sẻ về vấn đề này TS Vũ Thu Hương – Giảng viên khoa giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, cha mẹ không nên dùng phần thưởng để “trao đổi” việc con phải học tập tốt hay ngoan ngoãn. Xét ở nhiều khía cạnh phần thưởng sẽ phản tác dụng giáo dục mà còn khiến bố mẹ càng ngày càng xa cách với con cái.

img

TS Vũ Thu Hương cho rằng không nên thưởng trẻ nhưng rất cần phạt khi con mắc lỗi (ảnh minh họa: IT)

“Thưởng con có nghĩa là bố mẹ có quyền phán xét con, thế này con nên được thưởng, thế kia con nên bị phạt. Như thế, khoảng cách của chúng ta đối với con cái sẽ ngày càng xa hơn. Đứa trẻ không hề mong muốn bố mẹ là thánh, đứa trẻ rất mong bố mẹ là bạn, có thể đồng hành cùng nó. Chẳng ai có quyền phán xét ai cả. Vì vậy, chẳng có lý do gì để thưởng nhau cả” – TS Hương nói.

Hơn nữa, theo bà Hương, việc thưởng con sẽ khiến con hình thành thói quen trong suy nghĩ rằng mình học tốt là để được thưởng, mình ngoan vì phần thưởng, vì để bố mẹ vui và khi mình đạt thành tích thì mẹ có trách nhiệm phải thưởng cho con. Điều này không giúp trẻ hình thành được ý thức tự giác, tự chịu trách nhiệm với bản thân và làm việc đúng đắn, giúp đỡ người khác từ chính tâm mình.

Không thưởng nhưng bà Hương cho rằng trẻ con rất cần được khen. Lời khen đối với trẻ cần phải chân thành, nó giống như lời khích lệ thì đúng hơn. Khi con gặp khó khăn nào đó, cha mẹ có thể nói với con là: “Mẹ tin là con làm được, con đừng làm mẹ thất vọng có được không?”; “Tại sao con lại lỡ làm mẹ thất vọng như thế?….những lời nói đó sẽ giúp trẻ tự tin và được khích lệ hơn.

Ngoài ra, TS Hương cho rằng, không thưởng nhưng bố mẹ nhất định phải đưa ra hình phạt để phạt trẻ khi mắc lỗi: “Phạt cũng là cách để con hiểu phải tuân thủ luật pháp cũng như trong gia đình phải tuân thủ các quy định. Tuy nhiên, việc phạt cũng cần được thực hiện công bằng với tất cả mọi người kể cả bố mẹ mắc lỗi cũng phải phạt. Nếu có sự công bằng này đứa trẻ sẽ cảm thấy rất thoải mái và ngày càng ngoan ngoãn hơn” – bà Hương nói.