Thời gian vừa qua, nhiều tỉnh có thế mạnh nuôi tôm đã phát hiện hàng trăm sai phạm. Đặc biệt, rất nhiều sản phẩm chưa nằm trong danh mục lưu hành tại Việt Nam vẫn bầy bán đầy rẫy ngoài thị trường.
Cơ quan chức năng Cà Mau phát hiện sản phẩm thuốc thú y, thủy sản sai phạm
Tràn lan sản phẩm “chui”
Với định hướng trở thành “thủ phủ” tôm công nghiệp, Bạc Liêu đang tập trung siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp (VTNN) phục vụ nuôi tôm. Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh đã phát hiện 11 trường hợp sai phạm về nhãn mác hàng hóa trong cải tạo, xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và thức ăn bổ sung. Ra quyết định xử phạt 7 trường hợp (chủ yếu thức ăn lĩnh vực thủy sản) không có trong danh mục được phép lưu hành.
Trong năm 2016, thanh tra chuyên ngành nông nghiệp Bạc Liêu đã phát hiện hàng chục vụ sai phạm khác. Trong đó, có 17 trường hợp kinh doanh thuốc thú y, thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản không có trong danh mục.
Tại tỉnh có diện tích và sản lượng tôm đứng đầu cả nước như Cà Mau thực trạng cũng rất tệ. Theo Sở NN-PTNT Cà Mau, nửa đầu năm 2017, đơn vị ra quân 33 đợt, tổ chức thanh kiểm tra 57 cơ sở, phát hiện 41 vụ vi phạm. So với cùng kỳ tăng 28 vụ vi phạm. Số vụ sai phạm năm 2016 là 83 vụ. Trong số những sai phạm trên, có nhiều vụ kinh doanh sản phẩm ngoài danh mục, chưa được phép lưu hành.
Thực trạng kinh doanh thuốc ngoài danh mục đáng báo động nhất là tại Trà Vinh. Với diện tích nuôi trồng thủy sản chưa tới 40.000 ha và chỉ có vài ngàn ha nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp nhưng tỉnh này liên tục phát hiện các sai phạm trong kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản ngoài danh mục.
Bà Nguyễn Hoàn Mỹ, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, những tháng đầu năm, đơn vị đã tổ chức 04 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 07 trường hợp, với các hành vi: Kinh doanh thức ăn, thuốc thú y vi phạm nhãn mác, không có trong danh mục, chứa hoạt chất cấm sử dụng. Thanh tra chuyên ngành nông nghiệp tỉnh đang xử lý 05 trường hợp vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và 1 trường hợp kinh doanh thức ăn không có trong danh mục.
Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh này còn kết hợp với Đội kiểm tra liên ngành huyện Duyên Hải ra quân 2 đợt khác. Kết quả kiểm tra 13 cơ sở kinh doanh phát hiện và xử phạt tới 8 trường hợp kinh doanh thức ăn, thuốc thú y ngoài danh mục. Còn trong 2 năm 2015 và 2016 có ít nhất 95 trường hợp bị xử phạt, trong đó vi phạm kinh doanh thuốc thú y, chất cải tạo môi trường, thức ăn không có trong danh mục chiếm tới 45 trường hợp.
Người nuôi tôm vùng ĐBSCL đang méo mặt vì những sản phẩm “chui”
Khó quản lý, do đâu?
Theo bà Mỹ, các sản phẩm sai phạm thường nằm trong nhóm thức ăn bổ sung, chất cải tạo môi trường. Về thuốc thú y thủy sản, chất lượng, mức độ vi phạm ít hơn. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng vi phạm về chất lượng và thức ăn chứa hoạt chất cấm sử dụng. Riêng các sản phẩm nằm ngoài danh mục thì chất cải tạo môi trường, thức ăn thủy sản chiếm tỷ lệ khá cao.
“Đầu tiên là do lợi nhuận khủng, dẫn đến ý thức chấp hành các quy định pháp luật của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh kém. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, việc cập nhật đưa vào danh mục thức ăn được phép lưu hành đối với các sản phẩm mới được cấp phép còn chậm, nên khó cho việc tra cứu danh mục trong quá trình thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm”, bà Mỹ nói.
Ông Châu Công Bằng, PGĐ Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết hiện có quá nhiều Cty với rất nhiều loại sản phẩm sử dụng cho nuôi trồng thủy sản. Mỗi Cty chỉ có vài sản phẩm chủ lực sử dụng có hiệu quả cao. Tuy nhiên, họ vẫn sản xuất những sản phẩm khác để bán kèm, mà những sản phẩm này đa phần chất lượng thấp.
Mặt khác tại địa phương còn tồn tại một thực trạng, là người nuôi tôm trúng một vài vụ nuôi, có vốn, đưa vật tư về kinh doanh nhưng không đăng ký với địa phương và cơ quan quản lý chuyên môn. Trong khi, địa bàn rộng, lực lượng thanh tra chuyên ngành mỏng nên rất khó kiểm tra, kiểm soát.
Nói về giải pháp, ông Châu Công Bằng cho rằng, phải tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết và có ý thức trong chọn lựa VTNN đảm bảo chất lượng. Cần xúc tiến việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, nhằm kết nối doanh nghiệp uy tín cung ứng trực tiếp sản phẩm cho vùng nuôi. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng phải làm thường xuyên hơn. Xử lý mạnh tay đối với sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. |