Dân Việt

Người đỡ đẻ, dùng miệng hút đờm cho bé trên tàu cao tốc nói gì?

Huỳnh Xây 20/07/2017 13:04 GMT+7
Không phải chuyên ngành nhưng khi biết có người sắp sinh mà lại là sinh khó, anh Điền đã liều mình đỡ đẻ, dùng miệng hút đờm, nước ói, chất nhờn cho bé ngay trên tàu cao tốc đi từ huyện đảo Phú Quốc vào TP. Rạch Giá (Kiên Giang).

Trưa nay (20.7), anh Lê Minh Nhựt, tạm trú thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc cho biết, vợ chồng anh rất biết ơn anh Nguyễn Thanh Điền (22 tuổi, quê xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, cùng tỉnh Kiên Giang) vì đã có hành động giúp vợ anh sinh con ngay trên tàu cao tốc đi từ huyện đảo Phú Quốc vào TP. Rạch Giá (Kiên Giang) vào chiều hôm qua (19.7).

img

Anh Điền (áo đen, bên tay trái) – người đỡ đẻ, dùng miệng hút đờm cho bé ngay trên tàu cao tốc (Ảnh: CTV)

Theo anh Nhựt, đến nay, con anh đang nằm trong phòng dưỡng nhi do chỉ nặng 2,2kg (đứa con đầu lòng, được sinh ra ở tuần thứ 33). Sức khoẻ của con anh và vợ tên là Nguyễn Hoàng Thanh Thảo (23 tuổi) đều tốt.

Do bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Quốc chỉ định sinh khó nên chiều 19.7, anh Nhựt đã đưa vợ mình đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang bằng tàu cao tốc.

Tuy nhiên, khi mới xuống tàu khoảng 30 phút thì chị Thảo có dấu hiệu sinh trong tình trạng nước ối bị vỡ. Lúc đó, anh Điền nghe thuyền trưởng thông báo có người phải sinh ngay trên tàu, cần người có thể giúp đỡ nên chạy đến thăm khám.

img

Anh Điền (áo đen, bên trái) và cha con anh Nhựt (Ảnh: CTV).

Với những chỉ dẫn, hỗ trợ của anh Điền, khoảng 30 phút sau đó (14h) ,chị Thảo đã sinh được bé gái. Sức khỏe của sản phụ Thảo cũng dần ổn định. Đến 15h cùng ngày, tàu cập cảng Rạch Giá, sản phụ và bé gái được đưa ngay về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang để được chăm sóc.

Theo phóng viên tìm hiểu, sau khi đưa bé ra ngoài, anh Điền đã dùng miệng mình để hút đờm, nước ói, chất nhờn trên miệng và người của bé. Hành động này nhằm cứu em bé khỏi tình trạng ngộp thở, thậm chí là tử vong. Nhiều người trên tàu thấy vậy đã khen ngợi và cho rằng hành động kịp thời của anh đáng được biểu dương, khen ngợi.

img

Chị Thảo sau khi sinh (Ảnh: CTV).

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, anh Điền cho biết: “Khi nghe thông báo trên tàu có người sắp sinh, dù bản thân không phải chuyên ngành y nhưng cũng từng học qua nên tôi đã làm “bác sĩ bất đắc dĩ”, làm bằng hết tinh thần, trách nhiệm”.

Riêng về hành động dùng miệng mình để hút đờm, nước ói, chất nhờn trên miệng và người của bé, anh Điền nói: “Trên tàu lúc đó không có dụng cụ hút đờm, nước ói, chất nhờn nên tôi phải dùng miệng để xử lý. Nếu không làm vậy kịp thời, bé gái sẽ bị suy hô hấp, thậm chí là tử vong sau sinh (nếu quá nặng). Nếu không hút sạch, bé còn có thể bị viêm phổi, dẫn đến suy dinh dưỡng sau này”.

Anh Điền cho biết, đã học xong ngành Y sĩ đa khoa tại TP.HCM và đang nộp hồ sơ xin việc vào một bệnh viện ở huyện đảo Phú Quốc. Ngoài ra, anh còn có nguyện vọng học liên thông lên ngành Bác sĩ chuyên khoa sản (thời gian học khoảng 4 năm). Tuy nhiên, theo quy định, để được học liên thông phải có thời gian làm ở bệnh viện khoảng 12 tháng.