Trong kết luận của TTCP về thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao), BOT (xây dựng – kinh doanh- chuyển giao) trong lĩnh vực giao thông, môi trường thuộc địa bàn TP.Hà Nội, có 7 dự án BT đã được UBND TP.Hà Nội và các cơ quan trực thuộc thẩm định, phê duyệt một số nội dung đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán chưa chính xác; giám sát thực hiện hợp đồng của UBND TP.Hà Nội và các cơ quan có liên quan còn chưa chặt chẽ.
Khởi công khi chưa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư
Đó là Dự án Nhà máy nước Yên Sở. Qua thanh tra, TTCP cho biết, dự án này đã được khởi công xây dựng trong khi chưa có kết quả thẩm tra thiết kế cơ sở của Bộ Xây dựng và thẩm tra phê duyệt công nghệ của Sở Công nghệ Khoa học Hà Nội.
Đáng chú ý, dự án khởi công khi chưa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư.
Tiến hành thanh tra cụ thể dự án này, TTCP nhận thấy, việc lập thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công, dự toán theo quy định của nhà đầu tư còn hạn chế và được thực hiện trong quá trình thi công nhà máy.
Tiếp đó, việc nhà đầu tư ký kết hợp đồng EPC và Tổng thầu EPC đã thực hiện thi công xây dựng từ 1.1.2009 theo hồ sơ và thiết kế chưa được các cơ quan chức năng thẩm định, thẩm tra, thể hiện việc thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, hướng dẫn, giám sát của cơ quan quản lý và các cơ quan có liên quan khác thuộc UBND TP.Hà Nội đối với nhà đầu tư cũng như Tổng thầu EPC.
Dự án nhà máy nước Yên Sở khởi công khi chưa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư.
Kết luận chỉ rõ, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các khuyết điểm, sai phạm trong quá trình thực hiện dự án.
Về việc giám sát quá trình thực hiện dự án, toàn bộ quá trình thi công, thực hiện dự án trước khi ký hợp đồng BT không có sự tham gia giám sát, thẩm định, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước, sở, ban, ngành thuộc TP.Hà Nội dẫn đến nhiều vấn đề xảy ra như chất lượng nước thải sau xử lý không đảm bảo yêu cầu của hợp đồng BT.
Dự án cũng chưa có đủ cơ sở về hồ sơ, tài liệu theo quy định, để xem xét quyết toán theo đề nghị.
Đối với dự án này, TTCP kiến nghị UBND TP.Hà Nội xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến việc chất lượng nước thải không đạt yêu cầu và yêu cầu xác định chi phí xử lý nước thải sinh hoạt có liên quan để yêu cầu công ty Gamuda Việt Nam nộp ngân sách Nhà nước theo quy định.
Đối với các khoản chi phí, TTCP kiến nghị giảm trừ quyết toán hơn 1 triệu USD với 10 phát sinh lãi vay phát sinh sau ngày 8.11.2012; các khoản chi phí khác, đề nghị xác định chính xác từng giá trị chi phí thực tế để làm cơ sở xem quyết toán.
Hàng loạt dự án lập, thẩm định vốn đầu tư không chính xác
Cả 3 dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, dự án nút giao thông Long Biên đều được kết luận công tác lập, thẩm định tổng vốn đầu tư không chính xác.
Đối với dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, công tác lập, thẩm định không chính xác do áp dụng định mức, đơn giá và tính toán khối lượng không đúng làm tăng giá trị hợp đồng BT là hơn 19.561,9 triệu đồng.
Trong dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, bên cạnh các sai phạm khác, nhà đầu tư còn vi phạm trong việc liên doanh đầu tư để phân chia đất tại dự án đối ứng khi chưa được TP.Hà Nội phê duyệt.
Dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, công tác lập, thẩm định không chính xác do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và định mức không đúng làm tăng số tiền hơn 12.173,6 triệu đồng.
Còn dự án nút giao thông Long Biên, công tác lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư không chính xác do tính sai khối lượng làm tăng giá trị hơn 34.352,54 triệu đồng.
Các dự án khác như dự án đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên, dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ đều xảy ra sai phạm dẫn đến giá trị tổng mức đầu tư có thay đổi.
Trong dự án đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên, dự toán điều chỉnh tổng mức đầu tư để điều chỉnh giá trị hợp đồng BT tính sai khối lượng tại một số hạng mục, áp dụng đơn giá và định mức không đúng, làm sai tăng giá trị tổng mức đầu tư lên hơn 14.492,08 triệu đồng.
Với dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tính chi phí lãi vay 920 tỷ VNĐ trong tổng vốn đầu tư dự án BT là chưa có cơ sở dẫn đến việc xác định giá trị tổng vốn đầu tư để ký hợp đồng sai tăng 920 tỷ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến việc xác định giá trị để giao đất của các dự án khác đối ứng dự án BT.
Hàng loạt dự án BT trong lĩnh vực giao thông và môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội đều có sai phạm trong việc lập, thẩm định vốn đầu tư không chính xác.
Một dự án cũng để xảy ra nhiều sai sót là dự án đường Lê Văn Lương kéo dài. Trong dự án này, thi công cọc và sàn giảm tải, tường chắn mố cầu sông Nhuệ phát sinh do tăng mật độ cọc khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về kỹ thuật, không đúng với quy định về quản lý các dự án đầu tư.
Với các dự án để xảy ra sai phạm này, TTCP kiến nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn thiện các thủ tục quyết toán dự án đầu tư; tham mưu lựa chọn nhà đầu tư và xem xét năng lực tài chính của các nhà đầu tư để xem xét tiếp tục triển khai, hoàn thành các dự án BT.