Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA). (Ảnh: I.T)
"Trước hết, cần phải thừa nhận người Việt Nam có khả năng tài chính rất tốt", ông Lê Hoàng Châu nhận xét.
Điểm thứ hai, cũng theo ông Lê Hoàng Châu, câu chuyện này cũng ít nhiều liên quan tới vấn đề quản lý ngoại hối của Việt Nam. Về dòng tiền kiều hối Việt kiều chuyển về nước, hàng năm chúng ta nhận khoảng trên 10 tỷ USD theo đường chính thức. Kiều hối về Việt Nam chủ yếu dành đầu tư BĐS (khoảng 20-21%). Còn lại là chi tiêu dùng, và đầu tư các ngành khác. Tỷ lệ đó, theo ông Châu cũng là tạm được.
Theo ước tính của Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, năm 2016, con số này chừng 9 tỷ USD (trong đó TP.HCM chiếm 5 tỷ USD). Năm nay, 6 tháng đầu cả nước đón nhận 5 tỷ USD (riêng TP.HCM vào khoảng 2,1 tỷ đô (tăng 5%).
Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, ghi nhận nguy cơ sụt giảm dòng tiền về nước vì Tổng thống Mỹ mới ra sắc lệnh hạn chế tối đa việc chuyển tiền ra khỏi Mỹ - tác động tới dòng kiều hối chính thức về Việt Nam. Dẫu vậy, cũng phải thừa nhận sự góp mặt của các dòng chuyển "phi chính thức" khác (như cầm tay mang về). Do đó, việc sụt giảm nêu trên cũng không đáng kể.
Mua nhà tại Mỹ đòi hỏi rất nhiều quy định khắt khe. Một trong số đó là chứng minh được nguồn tiền.
Về con số thống kê người Việt Nam chi ra tới 3 tỷ USD để mua nhà ở Mỹ, đứng thứ 6 trên thế giới trong số các nước mua bất động sản tại Mỹ, Chủ tịch Lê Hoàng Châu nhận định đây là vấn đề liên quan đến đường đi của nguồn chuyển tiền không chính thức từ trong nước ra nước ngoài. Bởi trên thực tế, người Việt muốn mua nhà ở Mỹ sẽ rất khó vì phải có việc làm, thẻ thường trú, chứng minh thu nhập...
"Nếu người Việt bên đó đủ điều kiện mua nhà theo quy định Mỹ, thì chắc chắn phải bằng nguồn tiền hợp pháp. Nếu nghi ngờ dòng tiền bất hợp pháp, có dấu hiệu rửa tiền, pháp luật Mỹ sẽ "truy" tới cùng và có chế tài rất gắt. Nếu kết luận bất hợp pháp, bên Mỹ sẽ tịch thu và thậm chí xử tù", ông Châu chia sẻ.
Chủ tịch Châu cho biết: Mua nhà ở Mỹ rất khó, nên nhiều khi người Việt hoặc người các nước phải để người Mỹ đứng tên. Nhưng nếu nghề nghiệp không ổn định, tự nhiên một người Mỹ đứng tên sở hữu nhà thì sẽ bị truy. Hàng năm, người Mỹ đều phải quyết toán thuế với cơ quan thuế. Nếu không chứng minh được nguồn thu (mà vẫn mua được nhà) là "chết".
"Tôi có người bạn trước làm ở một Sở tại TP.HCM (người này làm Thạc sỹ Luật). Hai vợ chồng họ sang Hawaii mở tiệm vàng kinh doanh. Họ kê khai thu nhập ở mức trung bình. Bất ngờ họ mua một căn nhà mà thực chất họ bán nhà tại Việt Nam để chuyển sang bên Mỹ nhưng theo đường "không chính thức". Thuế vụ bang Hawaii hỏi xuất xứ nguồn tiền nhưng họ không chứng minh được. Tuy nhiên, do khai báo thành khẩn và với lý do chưa hiểu rõ pháp luật Mỹ (mới đến), nên họ chỉ bị xử lý hành chính", ông Châu dẫn chứng.
Nếu tiền chuyển từ Việt Nam qua Mỹ mua nhà một cách hợp pháp, thì phải chuyển từ một ngân hàng, nhưng ngân hàng lại không chuyển được (?) Nguyên nhân là phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Ví dụ, anh chứng minh là bán nhà ở Việt Nam, có nguồn tiền đó thì đưa vào ngân hàng. Đồng thời, khi qua định cư tại Mỹ, anh phải chứng minh về nhu cầu của mình bên Mỹ. Nếu được NHNN đồng ý các vấn đề trên thì mới chuyển được số tiền đó. Nếu mua nhà thì phải có giấy phép chuyển tiền của NHNN rồi mới chuyển sang Mỹ được.
Tại Mỹ người ta không "câu nệ" việc chuyển tiền từ Việt Nam. Giả sử, nếu cá nhân A chuyển tiền từ Việt Nam sang một ngân hàng ở Hong Kong, rồi từ đó chuyển sang tài khoản của cá nhân A tại Mỹ thì lại "hợp lệ".
"Dòng tiền chuyển từ đây sang Hong Kong bằng phương thức đó là "đen"/phi chính thức. Còn từ Hong Kong sang Mỹ lại là chính thức. Tuy nhiên, vẫn phải chứng minh được đúng mục đích, nguồn gốc tại Mỹ. Mỹ rất kiêng kỵ vấn đề rửa tiền, tiền phi pháp, buôn bán ma túy, vô nhân đạo...", ông Châu nhấn mạnh.