Dân Việt

Giảm xe cá nhân, nâng xe buýt, khốn khó khôn lường!

Giang Thanh – Đằng Giang 24/07/2017 06:20 GMT+7
Từ thống kê xe cá nhân ở TP.HCM tăng trung bình 10%/năm và ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng, hàng loạt các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị liền “nhảy ra” phán: xe cá nhân là thủ phạm gây kẹt xe. Phải giảm xe cá nhân, sử dụng xe buýt.

Nói nhiều nhưng… ít nhìn

Lập luận trên hoàn toàn đúng, nhưng nếu nhìn vào sự phát triển của xe buýt, nhìn vào các chính sách đẩy mạnh xe buýt của chính quyền TP.HCM suốt hơn chục năm qua thì lại lòi ra hàng loạt câu chuyện cười ra nước mắt.

img

Đa phần xe buýt hiện nay đã xuống cấp, trên xe đầy rác, máy lạnh hư, chạy bạt mạng.

Tại bến xe buýt trung tâm ở công viên 23.9,  Q.1, ai cũng thấy đại đa số xe buýt đang trong quá trình xuống cấp trầm trọng. Chúng tôi thử lên một chuyến xe buýt chạy tuyến Bến Thành – bến xe Miền Tây. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh sàn xe đầy rác, thành cửa sổ bám đầy bụi, máy lạnh hỏng, bên trong xe ám mùi khó chịu. Đến giờ khởi hành, tài xế loay hoay một hồi với đầu máy, tiếp viên phải làm thêm động tác phụ mới nổ máy được.Vừa xuất bến, chiếc xe rung lên bần bật kèm theo tiếng động. Mỗi khi đi qua các gờ giảm tốc, tài xế không giảm tốc độ khiến xe buýt bị xóc, hành khách nghiêng ngả phải bám chặt tay vào thành ghế.

Các xe buýt từ bến xe Miền Tây về An Sương cũng tương tự. Xe nào cũng cũ nát, tài xế thì vô tư lạng lách. “Ngồi trên xe buýt mà tim nhiều lúc muốn rớt ra khỏi lồng ngực vì xe dằn xóc, rồi thấy cảnh người đi xe máy bị xe buýt “ép” sát vào lề mà thấy lo cho họ”, anh Toàn, một hành khách đi chung chuyến xe với chúng tôi, chia sẻ.

Tới bến xe An Sương, lên xe số 65 chạy về Bến Thành, cũng như những chiếc xe trước, xe này cũ nát, nội thất hư hỏng gần hết. Giữa cái nắng gay gắt của buổi trưa giữa tháng 7, bên trong xe buýt nóng hầm hập. Khi xe tới gần cầu Tham Lương, một miếng nhựa che chắn máy lạnh bất ngờ rơi xuống. Lúc này, tài xế tắt máy, rời khỏi ghế lái bước xuống, nói: “Xe cũ nên thỉnh thoảng linh kiện bị rơi rụng xíu, gắn lại là xài ngon lành”. Dứt lời, tài xế tháo toàn bộ tấm chắn còn lại mang xuống lề đường thổi bụi rồi mày mò gắn lại. Gần 15 phút dừng giữa đường, xe mới tiếp tục lăn bánh. Có lẽ trễ giờ, tài xế liên tục lạng lách. Đến trạm mũi tàu Trường Chinh – Cộng Hoà, một công nhân xuống trạm, tài xế giảm tốc độ chứ không dừng hẳn khiến người này loạng choạng suýt ngã. Thấy chúng tôi nhăn nhó, một nữ công nhân ngồi bên cạnh trấn an: “Mới đi xe buýt nên chắc không quen, mấy chuyện này bình thường như cơm bữa à. Hôm nào mấy ổng trễ giờ còn phóng nhanh không thua xe đua”.

Nói về nguyên nhân xe xuống cấp nhưng không sửa, một chủ xe buýt tuyến bến xe An Sương – Bến Thành nói, chi phí đại tu cho mỗi xe vào khoảng 100 triệu đồng, trong khi giá trị xe còn lại 300 – 400 triệu đồng/chiếc. Vì thế mà họ cứ để xe nát hành nghề kiếm thu nhập thôi!

Thực tế này dẫn đến các chủ xe buông luôn chuyện chăm sóc, bảo dưỡng xe. Bởi xe có đẹp thì thu nhập, trợ giá cũng vậy… quả là bi hài! Hậu quả là có những người trước đây bỏ xe máy đi xe buýt cho an toàn, thì giờ đã quay ngược lại chọn xe máy.

Những việc cần làm ngay

Như thế, muốn hạn chế phương tiện cá nhân thì phải phát triển giao thông công cộng sao cho thật văn minh và hiện đại – bằng chứng là tuyến xe buýt “5 sao” sân bay Tân Sơn Nhất – Bến Thành lúc nào cũng đông nghẹt khách, dù giá vé cao. Thực tế hiện nay cho thấy nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) vận tải chỉ tham gia đầu tư phương tiện thật tốt vào các tuyến xe buýt “ngon”, có trợ giá, hành khách đông, chứ chưa có doanh nghiệp “mặn mà” với những tuyến không có trợ giá. Lý do, các tuyến không trợ giá thì doanh nghiệp, HTX phải tự tính toán và đưa ra giá vé. Để có lãi thì họ phải đưa ra mức giá vé cao, sẽ không có người đi; trong khi xe buýt phải hoạt động theo biểu đồ giờ, nên càng chạy càng lỗ.

Đặc biệt, để xe buýt cạnh tranh công bằng thì phải thu hút các doanh nghiệp ngoài xã hội tham gia đầu tư xe buýt, cơ quan quản lý cần hỗ trợ đầu tư phương tiện thông qua lãi vay ngân hàng. Sử dụng thẻ thông minh trên tất cả các tuyến xe buýt để tối ưu hoá tiền thu được từ bán vé. Ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX làm tốt, bài bản, chấp hành nghiêm pháp luật an toàn giao thông, có kinh nghiệm và chịu đổi mới trong vận tải hành khách công cộng.

Khi phương tiện đã hiện đại, nhân viên phục vụ văn minh rồi thì chính quyền phải tính đường cho xe buýt chạy, tính đường cho xe buýt kết nối… Đường cho xe buýt chạy hiện nay có dự án các tuyến đường trên cao của TP.HCM là ổn nhất. Kết nối thì nên mở các tuyến xe buýt điện đến các khu dân cư nhỏ hẹp, kết nối các nhà ga tàu điện trên cao và bố trí các khu gửi xe hai bánh tạm tại các công viên, nhà thi đấu, sân vận động...

Để đầu tư được như thế cần số tiền rất lớn, nên cần thu hút các doanh nghiệp ngoài xã hội tham gia, chứ không giao một vài đơn vị “truyền thống” ôm đồm như trước nay.