Dân Việt

Hà Nội thành Hà "Lội", vì sao?

Thái Bình 23/07/2017 07:30 GMT+7
Đối với Hà Nội, có rất nhiều quy hoạch. Riêng trong lĩnh vực cấp thoát nước, chúng tôi có các quy hoạch về cấp nước, thoát nước, quy hoạch thoát nước Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050. Dưới quy hoạch, là các dự án. Tuy nhiên, từ quy hoạch tổng thể tới quy hoạch chi tiết không có sự kết nối khi thực hiện. Theo PGS.TS Trần Đức Hạ, đây là một trong số nguyên nhân chính dẫn tới Hà Nội bị biến thành Hà "lội" nhiều năm qua.

Với cái nhìn lạc quan nhất, khoảng bao lâu nữa chúng ta không còn cảnh ngập úng mỗi khi mưa ở Hà Nội, thưa ông?

- Đối với Hà Nội, chúng ta có rất nhiều quy hoạch: Từ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng Thủ đô đến 2030, tầm nhìn đến 2050, riêng trong lĩnh vực cấp thoát nước, chúng tôi có các quy hoạch về cấp nước, thoát nước, quy hoạch thoát nước Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050.

Dưới quy hoạch, là các dự án. Tuy nhiên, điều cần bàn chính là việc tuân thủ các quy hoạch đó. Cụ thể, từ quy hoạch tổng thể tới quy hoạch chi tiết không có sự kết nối với nhau. Đối với dự án thoát nước Hà Nội, năm 1994 Nhật đã giúp chúng ta xây dựng Đề án tổng thể thoát nước phục vụ hơn 7500ha của khu vực nội thành cũ Hà Nội (hiện là lưu vực sông Tô Lịch).

img

Một góc trạm bơm Yên Sở

Trên cơ sở đề án đó, chúng ta đã triển khai thành dự án thoát nước Hà Nội gồm 2 giai đoạn (trị giá khoảng trên 500 triệu USD). Về mặt công trình, chúng ta đã giải quyết được cơ bản. Ví dụ công trình lớn như Trạm bơm Yên Sở: giai đoạn đầu có công suất 45m3/giây, giai đoạn 2 là 90m3/giây. Giai đoạn 3 là dự án khu vực Tả Nhuệ.

Với những dự án đó, đến cuối 2016 chúng ta đã hoàn thành các công trình cơ bản (khoảng 80-90%). Tuy nhiên, như tôi vừa nêu liên quan tới quy hoạch và dưới quy hoạch được thực hiện thế nào thì mới là vấn đề. Đơn cử, ở Hà Nội, chúng ta có quy hoạch tổng thể 725. Đã có 2 dự án giải quyết cho khu vực 7.500 ha của lưu vực sông Tô Lịch.

Viện Kiến trúc quy hoạch Hà Nội đã lập các quy hoạch, nhưng triển khai thực thi ra sao? Đơn cử như quy hoạch 1/500, xoay quanh vấn đề cốt san nền, thì anh làm sau lại cao hơn người làm trước (!) Vi phạm cốt nền, tiếp tục ảnh hưởng tới phân bố lưu vực không đảm bảo. Tức, quản lý xây dựng theo quy hoạch cũng rất yếu. Đó là một trong số các nguyên nhân chính khiến Hà Nội trở thành Hà "lội" bấy lâu nay.

Nhưng còn đó lưu vực sông Tả Nhuệ (hàng nghìn ha kéo dài từ Tây sông Tô Lịch tới sông Nhuệ, hoặc mở rộng phát triển ra khu vực Hà Đông liên quan tới lưu vực sông Đáy). Hiện tại, về tốc độ phát triển đô thị, đây là khu vực phát triển nhiều nhà cao tầng, bê tông hóa bề mặt cao. Nước mưa ở đây chảy một phần vào sông Nhuệ, một phần vào sông Tô Lịch. Do đó, quy hoạch cũ có thể đã không còn phù hợp với điều kiện thực tại.

Trận mưa gần đây cho thấy, nước sông Nhuệ cao hơn mực nước sông Tô Lịch. Để giải quyết cho lưu vực sông Nhuệ, thì phải làm sao cho nước sông Nhuệ chảy ngược lại sông Tô Lịch. Như vậy, trạm bơm Yên Sở (công suất 90m3/giây) phải đồng thời giải quyết cho lưu vực 7.500ha của khu vực Hà Nội cũ và Hà Nội mới.

Quy hoạch tổng thể là như vậy. Nhưng để đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch hiện nay thì là cả vấn đề. Ngay cả về quy hoạch chi tiết cũng rất phức tạp.

Tại sao hiện nay ngay cả khu 36 phố phường cũng xảy ra úng ngập – việc vốn chỉ diễn ra ở một số KĐT mới?

- Đây là vấn đề thoát nước tại chỗ và đầu mối thu gom nước của khu vực 7.500ha. Thực tế, trước tại khu vực phố cũ Hà Nội, là khoảng 1.008 ha được phân ra các lưu vực. Như khu Tạ Hiện, thì đi theo tuyến cống ngầm Lò Đúc có chiều cao đến 1,5m – rất cụ thể trong bộ phim "Những người khốn khổ" mà nhân vật chính đi trong lòng cống ngầm tại Paris (Pháp). Đầu thế kỷ XX, Hà Nội đã như vậy. Nước thoát từ đó ra đường ống Lò Đúc rất nhanh.

img

Việc quản lý xây dựng, quản lý đô thị chưa chặt chẽ là một yếu tố khiến những nơi rất ít khi ngập như phố cổ cũng chịu cảnh "phố cũng như sông"

Còn nay, tại khu phố cũ, các tuyến ống cống cũ đã cải tạo nhiều. Nhưng tại đây có thêm nhiều nhà cao tầng xây chen vào diện tích 1.008 ha trước đây. Nước thoát về sông Kim Ngưu, sông Sét, sông Tô Lịch và được đưa về trạm bơm Yên Sở. Vấn đề nằm ở đầu mối (khu hạ lưu) của lưu vực đó phải được nạo vét. Đồng thời, cũng cần nhắc đến việc quản lý đô thị thiếu chặt chẽ, hạ tầng giao thông, các giếng thu nước mưa bị tắc mà không được nạo vét kịp thời, rồi ý thức cộng đồng đã dẫn tới vấn đề úng ngập.

Đối với khu vực phía Tây sông Tô Lịch đến sông Nhuệ, đây là khu trọng tâm phát triển đô thị. Nhiều KĐT mới được xây dựng liên tục, nhưng hệ thống hạ tầng lại chưa thực hiện. Một loạt hồ điều hòa mới chỉ được quy hoạch và hình thành dự án. Ví dụ như hồ điều hòa Nhân Chính, Yên Hòa,. Rồi các trạm bơm đầu mối như Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế cũng mới được cải tạo, nâng công suất vận hành nhưng chưa đủ đối với lưu vực này. Vì thế, đối với lưu vực Tả Nhuệ khi diễn ra tốc độ đô thị hiện tại, hệ thống hạ tầng (đặc biệt thoát nước) vẫn chưa thực hiện được.

Với khu phố cũ, ở những trận mưa vừa qua thì có ngập nhưng chỉ vài tiếng là thoát. Còn khu Tả Nhuệ, thì hiện tượng này kéo dài hơn.