Người phụ nữ tung tin đồn máy bay rơi ở Nội Bài để câu like, phục vụ bán hàng trên mạng
Ngày 23.7, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50, Công an TP.Hà Nội) cho biết, đơn vị đã mời một phụ nữ đến làm việc để làm rõ hành vi tung tin đồn thất thiệt máy bay rơi tại Nội Bài (Hà Nội) trên mạng xã hội Facebook ngay sau khi phát hiện thông tin.
Theo đó, tại cơ quan công an, người phụ nữ này đã thừa nhận hành vi đăng tải thông tin máy bay rơi ở Nội Bài lên trang cá nhân, mục đích của việc làm này nhằm “câu like”, tăng lượt người theo dõi phục vụ hoạt động bán mỹ phẩm trên mạng.
Hiện tại, cơ quan công an đang củng cố hồ sơ vụ việc để có hình thức xử lý với phụ nữ này.
Trước đó, như Dân Việt đã đưa, ngày 20.7, một tài khoản Facebook đã đăng 5 ảnh chụp tại một cuộc diễn tập khẩn nguy hàng không với status "Mưa to quá máy bay rơi luôn... Thật là kinh khủng... Nội Bài này". Trong ảnh có chiếc máy bay mô hình nằm ngang qua mương nước cùng với xe chữa cháy và hoạt động cứu nạn. Thông tin này nhanh chóng được chia sẻ trên cộng đồng mạng.
Ngay sau đó, ông Nguyễn Đình Dương - Phó giám đốc Cảng hàng không quốc Nội Bài - khẳng định: “Thông tin máy bay rơi ở sân bay Nội Bài là bịa đặt”. “Đây là hình ảnh về cuộc diễn tập khẩn nguy hàng không được thực hiện từ trước”.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, luật sư Đặng Huỳnh Lộc – Trưởng Văn phòng luật sư Huyền Vũ (Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh) cho biết, an ninh hàng không dân dụng là nhiệm vụ quan trọng của ngành hàng không dân dụng Việt Nam nhằm bảo vệ hoạt động hàng không dân dụng đối phó với các hành vi can thiệp bất hợp pháp, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội tại các địa bàn hoạt động hàng không dân dụng.
Việc đưa tin đồn thất thiệt về an toàn hàng không gây hoang mang trong dư luận cần xác định mục đích của đối tượng. Trong trường hợp này, phao tin bịa đặt máy bay rơi chỉ nhằm câu like… thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự, mức phạt từ 3 tháng đến 7 năm tù.
Ngoài ra, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, với hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Nếu việc lợi dụng mạng xã hội thông tin bịa đặt có mục đích chống đối chính quyền, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tuyên truyền chống Nhà nước được quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự.