Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy T.Ư, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. (Ảnh: Báo QĐND)
9 lần bị thương trong chiến đấu
Trong câu chuyện, Đại tướng Phạm Văn Trà luôn nhắc đi nhắc lại, ông và nhiều người bạn bị thương trong chiến đấu được như ngày hôm nay là nhờ có đồng đội, đặc biệt sự che chở, giúp đỡ của nhân dân.
Ông là vị Đại tướng trưởng thành từ người lính, kinh qua rất nhiều trận chiến đấu ác liệt với 9 lần bị thương. Ông quê ở Bắc Ninh, nhập ngũ năm 1953, trong cuộc kháng chiến chống Pháp từng 2 lần bị thương.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông chủ yếu chiến đấu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. “Những năm tháng chiến đấu tại đây, tôi bị thương thêm 7 lần nữa” - ông vừa kể vừa giơ tay chỉ các vết thương khắp từ chân đến vùng lưng và thái dương…
Ông bảo có vết thương mảnh đạn nằm trên thân thể mình suốt mấy chục năm mà không hề biết, bởi nó không gây đau đớn hay biểu hiện gì bất thường. “Vào năm 1976, trong lần chơi bóng chuyền tôi bị bóng đập vào đầu đau quá gục xuống. Sau đó cả tháng cứ cúi gục đầu vì đau. Các bác sĩ quân y khám và nói tôi từng bị vết thương nặng ở đầu nên mới như thế. Tôi khẳng định không có, lúc đó chưa có máy móc thiết bị hiện đại để chụp nên thôi”, tướng Trà cho biết.
Năm 2016, Đại tướng Phạm Văn Trà được trao Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. (Ảnh: Báo QĐND)
Mãi đến năm 1990, lúc đó ông đang là Tư lệnh Quân khu 3 đi khám định kỳ tại Bệnh viên T.Ư Quân đội 108, nhờ máy móc hiện đại chụp, các bác sĩ đã phát hiện ông có mảnh đạn nằm ở trên đỉnh đầu. “Đó là mảnh đạn M79, đối chiếu với các trận đánh đã trải qua, tôi nghĩ dính mảnh đạn đó là ở trận đánh ở Phụng Hiệp, Hậu Giang sau năm 1969” - tướng Trà cho hay.
Ông không mổ để lấy mảnh đạn đó ra vì thấy vẫn khỏe mạnh bình thường, nghĩ tới chuyện phẫu thuẫn phức tạp nên thôi. Tính đến nay ông đã sống chung với mảnh đạn trong đầu gần 50 năm. “Không chỉ mảnh đạn đó, trên cơ thể tôi có 4-5 mảnh đạn khác, vài năm gần đây mới được phẫu thuật để gắp ra”, vị tướng già cười xòa.
Được người dân cứu sống
Trong ký ức về những lần chiến đấu bị thương của Đại tướng Phạm Văn Trà có câu chuyện hơn 50 năm trước ông vẫn nhớ như in. Đó là lần bị thương vào ngày 4.11.1966 ở Long Mỹ, Hậu Giang.
Ông kể: Lúc đó ông là Tiểu đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 309, Trung đoàn 1 U Minh. Đêm đó đơn vị ông tấn công một đồn địch, gần sáng giặc đổ thêm quân đánh trả, đơn vị ông rút ra ngoài. Trên đường rút, Tiểu đoàn phó Phạm Văn Trà đã bị trúng đạn gãy chân.
“Lúc đó anh em đã rút hết, một đồng đội đã dìu tôi đi được khoảng 300m đến cánh đồng lúa, tôi đau quá phải nằm lại. Tôi bảo người đồng đội phải đi ngay, nếu ở lại địch phát hiện chúng sẽ bắt hết, để tôi nằm đây đến tối ra đón. Người đồng đội để lại cho tôi khẩu AK rồi đi. Tôi nằm lọt giữa những cây lúa đang sắp vào vụ gặt và thiếp đi vì mệt”, tướng Trà nhớ lại.
Ít giờ sau ông tỉnh dậy thấy có một cậu bé khoảng 11-12 tuổi đeo giỏ đi bắt cá đang tiến về phía ông nằm. “Tôi thoáng nghĩ, nếu gọi nhỡ cậu bé chạy về báo cho địch thì gay, nhưng không gọi mà cứ nằm đây mãi cũng chết. Khi cậu bé đến gần tôi nhổm người dậy để gọi, thấy thế cậu vứt chiếc giỏ bỏ chạy.
Sự lo lắng ùa về, tôi muốn lết đi nhưng vết thương đau quá lại phải nằm xuống. Quãng 12h thấy cậu bé một mình ra trên tay cầm chiếc rá. Cậu đến chỗ ném chiếc giỏ đặt chiếc rá xuống rồi cầm chiếc giỏ đi về. Tôi nghĩ mình đã gặp người tốt nên bò ra, thấy trong chiếc rá có bọc xôi và nửa con gà luộc cùng ít muối, nhưng tôi đau quá không ăn được”, tướng Trà kể.
Đến khoảng 18h tối, cậu bé và một người phụ nữ (sau biết là mẹ cậu bé) ra đưa ông về nhà. Nhà của người phụ nữ này chỉ có hai mẹ con, cách đồn địch khoảng 300m. Đó là ngôi nhà rộng rãi, trong buồng có căn hầm trú ẩn (vùng địch hậu người dân thường làm hầm trong nhà để trú ẩn khi có đạn pháo).
“Hai mẹ con chị đưa tôi vào chiếc giường trong buồng. Chị nói tôi cứ nằm đây để hằng ngày chăm sóc vết thương cho. Chị bảo nhà nấu rượu, lính ở đồn hằng ngày vẫn quen ra vào vào để mua rượu nên không phải lo. Ban ngày thỉnh thoảng chị vào xem tôi thế nào. Nghe phía bên ngoài gọi chị Sáu ơi, lúc đó tôi mới biết tên”, tướng Trà cho biết.
Hằng ngày chị Sáu rửa vết thương cho Tiểu đoàn phó Phạm Văn Trà bằng nước muối và băng bó lại. Tuy nhiên vết thương không hề đỡ, đến ngày thứ 7 lại phát hiện có dòi. Thấy thế vị Tiểu đoàn phó nhờ chị Sáu đưa ra vùng giải phóng. “Chị nói không biết vùng giải phóng ở đâu, tôi bảo cứ chỗ nào địch bắn phá nhiều đó là vùng giải phóng” - tướng Trà cho biết.
Để đến vùng giải phóng phải đi qua đồn địch đóng gần nhà, sau khi ngẫm nghĩ, người phụ nữ tên Sáu đã có cách. Chị để vị Tiểu đoàn phó bị thương nằm im dưới khoang xuồng để hai mẹ con đưa đi. “Cậu bé ngồi ở mũi xuồng, còn chị Sáu ngồi phía sau chèo. Lúc qua đồn địch chúng có hỏi, chị nói đang đưa con đi bệnh xá. Nghe tiếng người quen nên bọn địch không nghi ngờ. Nhờ thế tôi đã qua được đồn địch. Mẹ con chị đưa tôi đi được khoảng 7km thì gặp du kích. Sau đó, tôi được đưa về trạm cứu thương của quân giải phóng chữa trị vết thương”, tướng Trà kể.
Sau này tướng Phạm Văn Trà có đi tìm gia đình cậu bé đã cứu sống mình.
Đại tướng Phạm Văn Trà sinh năm 1935, quê Bắc Ninh. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII và IX, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1997 - 2006. Ông được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1976. |