Dân Việt

Khai mạc Hội nghị BCH T.Ư Hội NDVN: Bàn 5 vấn đề nóng của nông dân

Trương Hồng - Kim Oanh 24/07/2017 09:08 GMT+7
Sáng nay 24.7, tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã chính thức khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (BCH T.Ư Hội NDVN) lần thứ 12, khóa VI. Tham dự Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn, với sự tham gia điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Lều Vũ Điều, Phó Chủ tịch Lương Quốc Đoàn cùng các Chủ tịch Hội của 63 tỉnh, thành.

Dân Việt xin giới thiệu toàn bài phát biểu tại Hội nghị của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn.

Chủ tịch Lại Xuân Môn nhấn mạnh: Hội nghị BCH T.Ư Hội NDVN lần thứ 12 có nhiệm vụ thảo luận và cho ý kiến về các nội dung như sau: Dự thảo Báo cáo công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017; Đề cương Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Dự thảo Nghị quyết về 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nông dân Việt Nam; về vấn đề tích tụ và tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn; bầu bổ sung Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2018…

img

Ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN phát biểu khai mạc Hội nghị.

Những nội dung này đã được Ban Thường vụ Trung ương Hội cho ý kiến và chuẩn bị kỹ lưỡng. Có nội dung đã được thảo luận tại Hội nghị lần thứ 11, riêng nội dung về tích tụ hay tập trung đất đai đã được Ban Thường vụ thành lập các đoàn khảo sát tại các địa phương, sau đó tổng hợp thành báo cáo đề dẫn để trình Hội nghị thảo luận, cho ý kiến để có giải pháp kiến nghị với Đảng, Nhà nước đề ra các chủ trương, chính sách thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, từng bước cạnh tranh được với nền nông nghiệp các nước trên thế giới gắn với bảo đảm lợi ích của người nông dân.

Đây là những vấn đề hết sức quan trọng đối với công tác Hội và phong trào nông dân trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Sau đây, một số ý kiến gợi mở, nêu vấn đề để các đồng chí quan tâm nghiên cứu, thảo luận và quyết định:

Thứ Nhất là nghiên cứu, thảo luận và quyết định: Về Dự thảo Báo cáo công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017. Ngay từ cuối năm 2016, mặc dù giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đã lấy được đà tăng trưởng trở lại, nhưng các dự báo cho ngành nông nghiệp năm 2017 đều khẳng định sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí còn khắc nghiệt hơn năm 2016, đặc biệt xuất khẩu nông sản phải đối mặt với các rào cản thương mại ngày càng phức tạp, khắt khe, tinh vi và cạnh tranh gay gắt; giá cả nhiều mặt hàng nông sản giảm sút, nhất là giá thịt lợn; bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiếp tục gây ra nhiều thiệt hại cho sản xuất, làm cho đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2017, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp và chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Thực hiện sự chỉ đạo, lãnh đạo của Trung ương Đảng và sự điều hành của Chính phủ; Ban Thường vụ Trung ương Hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác của Hội; tổ chức nhiều hoạt động lớn để động viên, khích lệ tinh thần cán bộ, hội viên, nông dân cả nước phấn đấu khắc phục khó khăn, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau đẩy mạnh sản xuất; đồng thời, thành lập các đoàn đi khảo sát, nắm bắt tình hình, phát động trong các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân tham gia giải cứu nông sản cùng với nhiều giải pháp giúp nông dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.

Kết quả là, mặc dù 6 tháng đầu năm, nông nghiệp nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức do thời tiết cực đoan, ô nhiễm môi trường, thị trường tiêu thụ nông sản bị thu hẹp nhưng ngành nông nghiệp nước ta tiếp tục thu được những thành tựu đáng phấn khởi.

Ngoại trừ ngành chăn nuôi lợn gặp khó khăn, các lĩnh vực chủ chốt của ngành nông nghiệp như trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp… cũng như tình hình xuất khẩu nông sản đều khởi sắc, giúp toàn ngành vực dậy được đà tăng trưởng với mức 2,65% (so với mức âm 0,18% cùng kỳ năm 2016).

Cùng với đà phát triển của ngành, nhiều chỉ tiêu công tác Hội và phong trào nông dân năm 2017 đạt khá, qua đó đã nâng cao vai trò, vị thế của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, theo dự báo, nửa cuối năm 2017 tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn thách thức, nhất là về thị trường tiêu thụ cũng như về ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, về ô nhiễm môi trường và dịch bệnh… Trong khi đó, năng lực tái đầu tư của nông dân gặp nhiều khó khăn do những thiệt hại từ năm 2016 và nửa đầu năm 2017 chưa được phục hồi, đời sống một bộ phận nông dân tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu công tác Hội và phong trào nông dân năm 2017.

Vì vậy, Ban Chấp hành phải tập trung chỉ đạo ra sao để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2017 đã được Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 đề ra, làm cơ sở tiền đề để năm 2018, chúng ta hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Đại hội VI? Và chúng ta có ý tưởng sáng tạo gì, cách làm ra sao nhằm thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của Hội để giúp đỡ, hỗ trợ nông dân đang gặp những nút thắt khó khăn, đẩy mạnh sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, nâng cao đời sống? Đó chính là những vấn đề mà Hội nghị ngày hôm nay cần được thảo luận, làm rõ và giải đáp thấu đáo những nội dung đã đặt ra.

img

Quang cảnh hội nghị BCH T.Ư Hội NDVN lần thứ 12, khóa VI.

Thứ 2, Về Đề cương Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Đây là nội dung rất quan trọng do Ban soạn thảo văn kiện Đại hội VII chuẩn bị và Ban Thường vụ Trung ương đã xem xét và hôm nay trình Ban Chấp hành để thảo luận, cho ý kiến.

Như chúng ta đã biết, đối với các đại hội nói chung, Báo cáo chính trị luôn là văn kiện quan trọng, chứa đựng những nội dung về quan điểm, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản, làm kim chỉ nam định hướng cho mọi hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ mới.

Để có một báo cáo chính trị đáp ứng được những vấn đề đặt ra trong nhiệm kỳ mới, thời kỳ hội nhập, những khó khăn, thách thức đang dặt ra rất lớn, khắc nghiệt với nông dân, mặt khác chung ta đang thực hiện tinh giản bộ máy, cán bộ thì trước tiên phải xây dựng một Đề cương mang tính khái quát, khoa học, phản ảnh được sát tình hình thực tiễn, đưa ra được những dự báo và đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

Do vậy, tôi đề nghị các đồng chí ủy viên Trung ương Hội tập trung thảo luận, cho ý kiến xác đáng về đề cương Báo cáo chính trị trình Đại hội VII, nhất là về bố cục và các nội hàm trong từng tiểu mục đã hợp lý chưa, có trùng chéo, phức tạp không? Có thiếu sót gì cần bổ sung, hay có tiểu tiết nào nên lược bỏ? Nội dung các phương án về tiêu đề của Báo cáo và chủ đề của Đại hội đã khái quát chưa, hợp lý chưa, nên lựa chọn nội dung nào? Vì sao? Hay có đề xuất gì mới không?

Những vấn đề này cần được Hội nghị thảo luận, làm rõ và thống nhất, làm cơ sở để Ban Soạn thảo xây dựng được một Báo cáo chính trị đổi mới khoa học, phù hợp với tình hình thực tế và có khả năng Hội đảm nhận được, nâng cao vai trò của Hội trước Đảng, trước Nhà nước và giai cấp nông dân để trình Đại hội VII.

img

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Thứ 3: Về Dự thảo Nghị quyết về 3 nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của Hội Nông dân Việt Nam.

Đây là nội dung đã được Ban Chấp hành dành hẳn một hội nghị mở rộng để thảo luận. Sau khi nghiên cứu các ý kiến phát biểu của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành và các đại biểu, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã tiếp thu, chỉnh sửa và quyết định trình Ban Chấp hành thảo luận một lần nữa để tiếp tục cho ý kiến và thống nhất để ban hành và tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Đề nghị các đồng chí tập trung nghiên cứu và đưa ra nhiều ý kiến xác đáng, chất lượng để chúng ta có một Nghị quyết dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ đánh giá và có sự thống nhất cao từ Trung ương đến cơ sở trong tổ chức thực hiện.

Thứ 4: Về vấn đề tích tụ và tập trung đất đai.

Như chúng ta đã biết, trong sản xuất nông nghiệp, ruộng đất có vai trò vô cùng quan trọng, là tư liệu sản xuất chủ yếu, tư liệu sản xuất đặc biệt, tư liệu sản xuất không thể thay thế được.

Với tổng quỹ đất có hạn, dân số ngày càng không ngừng tăng đã làm cho diện tích đất đai bình quân đầu người giảm sút. Tình trạng đó dẫn đến sự khan hiếm về ruộng đất, manh mún về diện tích từng chủ sở hữu đất ngày càng tăng. Theo thống kê Tổng điều tra nông nghiệp, cả nước có khoảng 15 triệu ha đất nông nghiệp, nhưng khoảng 90% đất nông nghiệp là thuộc các hộ nông nghiệp và trang trại, 6% thuộc các doanh nghiệp và số còn lại thuộc các cơ sở khác.

Đa phần các hộ nông nghiệp đều có quy mô rất nhỏ. Trong đó, nhóm hộ canh tác trên ruộng dưới 0,5 hecta chiếm tới 69%, nhóm có diện tích từ 0,5 đến 2 hecta chiếm 25% và nhóm có diện tích lớn hơn 2 hecta chỉ chiếm 6%. Độ manh mún ruộng đất tạo nên mâu thuẫn gay gắt giữa yêu cầu sản xuất lớn và hạn điền; giữa người có đất và các nhà đầu tư kinh doanh nông nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đáp ứng được các điều kiện của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thì việc khắc phục các mâu thuẫn trên là vấn đề cần thiết. Nhận thức rõ điều đó, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII xác định “Có chính sách phù hợp để tích tụ, tập trung ruộng đất thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp từng bước hình thành các tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao”.

Tuy nhiên, cần có giải pháp như thế nào để giải quyết được mẫu thuẫn trên, vừa thu hút được các nhà đầu tư vào nông nghiệp nhằm phát triển nền nông nghiệp nước ta hiện đại, cạnh tranh được với nông sản thế giới nhưng vẫn bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của những nông dân nhỏ lẻ?

Đây là vấn đề khó và phức tạp. Nhưng với trách nhiệm là người đại diện, là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân đồng thời là cầu nối, chuyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước đến với nông dân để các chủ trương, chính sách đó được triển khai hiệu quả trên thực tế, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã thành lập các đoàn khảo sát, lấy ý kiến nông dân, các nhà doanh nghiệp và chính quyền địa phương về vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất và đã tham dự, phát biểu tại nhiểu cuộc hội thảo về vấn đề này.

Đề nghị các đồng chí nghiên cứu, đóng góp ý kiến thảo luận, làm sáng tỏ vấn đề nêu trên đề có cơ sở khoa học và giải pháp khả thi nhằm kiến nghị với Đảng và Nhà nước có những chính sách phù hợp đối với vấn đề đất đai để đưa ngành nông nghiệp nước ta trở thành ngành sản suất hàng hóa lớn, gắn với thị trường tiêu thụ nhưng vẫn bảo đảm lợi ích hài hòa của nông dân, của doanh nghiệp, Nhà nước và xã hội?...

Thứ 5: Về bầu bổ sung Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2018.

Ngày 12.7.2017, Văn phòng Trung ương Đảng đã ban hành công văn số 4339 thông báo ý kiến của Ban Bí thư giới thiệu đồng chí Phạm Tiến Nam- Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn Phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam để bầu giữ chức Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2013-2018; chỉ định tham gia Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2018.