LTS: Suốt 12 năm qua, ThS. Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền từng chứng kiến nhiều câu chuyện của khách hàng tìm đến trung tâm làm xét nghiệm. Chuyện buồn có mà vui cũng có, mỗi câu chuyện đều gắn liền với mỗi gia đình, mỗi phận đời. Đối với bà Nga, mỗi hoàn cảnh tìm đến TT xét nghiệm không ai giống ai nhưng đều để lại trong lòng bà những cung bậc cảm xúc khó tả. Trong loạt bài "Bi hài sau phòng xét nghiệm ADN", chúng tôi chia sẻ cùng độc giả những câu chuyện buồn vui của những người từng đi xét nghiệm ADN qua lời kể của bà Nga. |
Một ngày tháng 4/2017, anh Nguyễn Văn N. (Hà Nội) tìm đến Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền, mang theo 2 mẫu tóc đề nghị xét nghiệm ADN xác định thân nhân. Sau 7 ngày chờ đợi, anh nhận được kết quả xét nghiệm.
Hồi hộp mở phong bì có kết quả bà Nga vừa đưa, chưa kịp vui mừng vì con trai chính là con đẻ của mình, anh N. chết đứng khi nhìn thấy dòng chữ ghi giới tính con mình là “nữ”.
Ngay sau đó giữa anh N. và bà Nga xảy ra cuộc tranh luận gay gắt với lý do mẫu xét nghiệm anh mang đi kiểm tra ADN cho thấy con gái trong khi đó anh lại ghi trong tờ khai là con trai.
“Sao lại vô lý thế. Chắc chắn cô nhầm mẫu của con cháu với bé gái nào rồi”, anh N. thắc mắc.
Sự trái ngược hoàn toàn về giới tính này đã khiến bà Nga phải mất nhiều thời gian giải thích cho anh N. Bà Nga khẳng định, không có sự nhầm lẫn nào cả. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bé là con của anh N. và cháu có giới tính “nữ”. Nhưng, cuộc tranh luận giữa 2 người vẫn vẫn kéo dài và ngày càng căng thẳng. Và chính sự quyết liệt của ông bố trẻ khiến bà Nga phải chuyển hướng suy nghĩ ‘xét nghiệm lại” vì lo ngại đứa bé có vấn đề về sức khỏe.
Sau 2 tiếng đôi co, bé trai được anh N. dẫn đến trung tâm để lấy máu. Mẫu máu của bé được đem đi phân tích ngay sau đó.
4 tiếng sau, anh nhận kết quả xét nghiệm. Kết quả này trùng khớp hoàn toàn với kết quả được phân tích từ mẫu tóc mà bố của đứa trẻ mang đến lần trước và giới tính của cháu bé vẫn là nữ.
ThS. Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền
Kết quả xét nghiệm cho thấy, con anh N. có nhiễm sắc thể giới tính không bình thường. Bé mắc bệnh Klinnefelter. Bình thường, nam giới mang nhiễm sắc thể XY nhưng con anh N. bị rối loạn nhiễm sắc thể giới tính, thừa một X, tức là cháu bé mang nhiễm sắc thể giới tính là XXY.
Lúc này, anh N. như chết lặng, mặt thất thần, tay mân mê tờ kết quả xét nghiệm. Nỗi đau hiện rõ lên khuôn mặt thư sinh của người cha.
“Dù sao việc phát hiện sớm bệnh của con cháu cũng là điều may mắn. Thường những đứa trẻ bị bệnh này đến tuổi dậy thì mới biết mình bị bệnh. Lúc đó đứa trẻ đã hiểu biết, sẽ rất hoang mang, sẽ sống khép mình, cô độc và thậm chí là thường xuyên có ý định tự tử. Bây giờ, để chữa khỏi hẳn thì khó nhưng hướng về giới tính nam của bé thì có thể. Vì vậy, cháu nên tìm nơi chữa bệnh cho con và tìm đến các trung tâm tư vấn về đồng tính”, bà Nga khuyên anh N..
“Cô không hiểu lý do cháu phải đi xét nghiệm huyết thống của đứa trẻ, nhưng cho dù là lý do gì đi nữa thì cháu cũng phải cho mẹ của bé biết bệnh để vợ chồng cùng lo cho con. Cha mẹ sẽ là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu đối với một đứa trẻ bị bệnh này”.
Bà Nga cho biết, hiện tại gia đình anh N. đã đưa cháu bé đi điều trị. Theo các bác sĩ, may mắn với cháu bé là gia đình đã đưa đi khám sớm, bởi nam giới mắc hội chứng Klinefelter thường dễ bị vô sinh. Ngoài ra, trẻ có biểu hiện khó khăn về học tập vì trí thông minh thường ở mức dưới mức trung bình nếu điều trị muộn. Với trường hợp này, các bác sĩ sẽ phải điều trị lâu dài.
------------------------------------------------------------------------
Từng tiếp nhận không ít trường hợp đến xét nghiệm ADN nhằm xác định huyết thống cha con nhưng bà Nga đặc biệt ấn tượng với sự cao thượng và yêu thương hết mực của một người đàn ông đối với vợ. Mời độc giả đón đọc "Hành trình tìm con cho vợ từ nhà hộ sinh đến phòng xét nghiệm ADN" vào 3h00 ngày 26/7/2017.