Dân Việt

Bỏ hàng tỷ USD mua nhà ở Mỹ, người Việt gặp rủi ro gì?

P.V 24/07/2017 11:48 GMT+7
Giả sử số tiền USD kia không được trao tay ở Mỹ, người mua ở Việt Nam cũng không thể kiện ra toà được, cho dù hai bên ở Việt Nam từng có hợp đồng thoả thuận.

img

TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (NAR) cho biết năm 2017 người Việt đứng thứ 6 trong top 10 nước hàng đầu có công dân mua nhà ở Mỹ. Theo thống kê, người Việt đã chi khoảng 3,06 tỷ USD để làm việc này. Không chỉ Mỹ, Canada và Úc cũng được người Việt quan tâm. Xu hướng này đang nói lên điều gì? Liệu có rủi ro gì khi đầu tư BĐS ở nước ngoài? PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện người Việt đã bỏ ra khoảng 3 tỷ USD để mua BĐS tại Mỹ?

Điều đáng ngạc nhiên là số tiền mà người Việt bỏ ra mua nhà ở Mỹ lớn đến thế, đứng trong số các quốc gia có người dân mua nhà ở Mỹ hàng đầu thế giới. Số tiền này đáng lý phải để lại trong nước để sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, bằng nhiều cách, nó đã được đưa ra nước ngoài để mua BĐS. Mua BĐS ở Mỹ thì không giúp gì cho kinh tế Việt Nam cả. Mặt khác, nó là thiệt hại về ngoại tệ cho Việt Nam.

Nguyên nhân nào khiến người Việt bỏ hàng tỷ USD để mua BĐS ở Mỹ?

Lý do thứ nhất, BĐS ở Mỹ có độ an toàn cao. Mặc dù năm 2008 thị trường đã sụp đổ gây ra sự khủng hoảng ở Mỹ cũng như trên thế giới. Dù có lúc này lúc kia, nhưng nhìn chung BĐS Mỹ có sự ổn định nhất định, vững giá.

Thứ hai, những người có tiền của có xu hướng chung là đầu tư ra nước ngoài để bảo vệ tài sản. Điều này có thể thấy rất rõ ở Trung Quốc (Trung Quốc hiện đang đứng đầu danh sách mua nhà ở Mỹ khi năm 2017 đã chi 31,7 tỷ USD mua BĐS ở Mỹ - pv), họ sợ trong nước có những chuyển biến tác động tiêu cực đến tài sản cá nhân. Do đó, họ đầu tư ra bên ngoài để phân tán rủi ro, kiểu không bỏ hết trứng vào một giỏ.

Thứ ba, tôi không loại trừ khả năng nguồn tiền không rõ ràng được chuyển qua.

Nhưng giả sử đây là tiền hợp pháp, khi mua nhà ở Mỹ người Việt có thể đối mặt với rủi ro gì?

Đầu tiên là rủi ro từ thị trường. Biến động của thị trường có thể khiến cho người mua gặp thiệt hại. Điều này đã xảy ra vào năm 2007 – 2008 khi bong bóng BĐS Mỹ vỡ khiến cho giá trị nhiều BĐS mất đi một nửa.

Tiếp theo, một vấn đề đáng quan tâm khác là rủi ro về pháp lý. Quy định về Quản lý ngoại hối của Việt Nam không cho phép gửi tiền ra nước ngoài để mua BĐS. Hiện vấn đề này không nằm trong quy định của Luật quản lý ngoại hối.

Theo quy định, người Việt Nam có thể chuyển tiền ra nước ngoài dưới một số điều kiện, một số giao dịch mà luật pháp cho phép.

Ví dụ như việc đầu tư đã nhận được giấy phép theo Luật Đầu tư nước ngoài. Ngoài ra người đi du lịch có thể đem theo tối đa 5.000 USD ra. Bên cạnh đó người Việt Nam có thể chuyển tiền ra nước ngoài thông qua ngân hàng để thanh toán những khoản tiền chuyển cho con cái đi du học, tiền chữa bệnh... Thế nhưng mua BĐS hiện không nằm trong những khâu được phép quy định chuyển tiền.

Tức là người mua phải đi đường vòng chuyển tiền sang Mỹ?

- Nếu nói là đường vòng thì quá lạc quan, có lẽ phải nói là đi chui!

Ông có thể nói cụ thể hơn?

- Họ đang đi theo các hình thức không chính thức hoặc không hợp pháp. Không hợp pháp bao gồm chuyện tìm cách chuyển ngân không theo Luật Quản lý ngoại hối, kể cả việc đem tiền mặt ra nước ngoài vượt quá quy định của nhà nước.

Họ có thể dùng cấu trúc tài chính, thiết kế tài chính 4 bên, trong đó, người mua chuyển tiền VNĐ cho một người ở Việt Nam mà người này có người/công ty ở Mỹ. Người/công ty này sau khi nhận lệnh của người nhận tiền ở Việt Nam sẽ chuyển số tiền USD tương ứng cho người thứ tư ở Mỹ (có thể là người thân, người quen của người chuyển tiền ở Việt Nam). Qua cách chuyển ngân như thế, USD không ra khỏi Việt Nam nhưng người mua nhà vẫn có được số tiền USD mong muốn.

Rủi ro trong việc quan hệ chuyển tiền này là như thế nào?

- Giả sử số tiền USD kia không được trao tay ở Mỹ, người mua ở Việt Nam cũng không thể kiện ra toà được, cho dù hai bên ở Việt Nam từng có hợp đồng thoả thuận. Bởi lẽ, đây cũng được xem là hình thức rửa tiền, không có cơ sở nào để kiện tụng cả.

Như các phân tích trên thì việc chuyển tiền ra nước ngoài mua BĐS không được luật pháp công nhận?

- Đúng thế. Những giao dịch như vậy nằm trong vùng xám giữa hợp pháp và không hợp pháp. Luật Quản lý ngoại hối không cấm người ta giao dịch bằng cách đó, người giao dịch bằng tiền đồng ở Việt Nam, hai đối tác ở Mỹ thì giao dịch bằng USD. Luật không có quy định cấm đoán, nhưng đấy là hành động dùng cấu trúc về tài chính để chuyển tài sản cho người khác ở nước ngoài. Đó là động thái ở vùng xám.

Còn hình thức xin giấy phép đầu tư rồi dùng giấy phép đó để chuyển tiền mua nhà là biến báo, dùng sai mục đích cũng không đúng với pháp luật. Như vậy, Chính phủ hoàn toàn có quyền truy tố người đã lạm dụng giấy phép và có cơ sở để đưa ra toà.

Như vậy, có thể thấy trên phương diện Luật pháp không khuyến khích, tiền muốn ra nước ngoài lại là tiền đi chui, vậy con số 3 tỷ USD có thể kết luận là bất hợp pháp?

- Cần có sự điều tra, xem số tiền đó được chuyển ra nước ngoài như thế nào. Nếu đây là hành động rửa tiền thì những giao dịch này là bất hợp pháp, phải bị truy tố. Nhưng dù là truy tố thì việc thu hồi tài sản rất khó khăn vì nó nằm ở ngoài Việt Nam.

Còn trường hợp đấy hoàn toàn là tiền sạch, giao dịch mua bán ở nước ngoài cũng hợp pháp nhưng nếu vi phạm quy định về quản lý ngoại hối thì cũng bị xử lý.

Tuy nhiên, điều này thực ra là khá khó. Bởi trường hợp cấu trúc tài chính bốn bên, như tôi đã phân tích thì câu hỏi liệu nó có phạm pháp hay không thì vẫn chưa rõ ràng. Do đó, cần sự lên tiếng của các cơ quan chức năng, cũng như cần có quy định cụ thể về việc này.