Con đường đến trường của học sinh bon Đăk RMoan (xã Đăk RMoan, thị xã Gia Nghĩa, Đăk Nông) “bỗng dưng” xa lắc, gập ghềnh, lầy lội khiến không ít em toan bỏ trường.
“Nhắm mắt” xuống bè
Từ hôm bị lật bè, rớt xuống nước, Điểu Uyên (7 tuổi, học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, xã Đăk RMoan) lúc nào cũng nơm nớp lo sợ mỗi khi đến trường. Uyên kể, bữa đó em và các bạn đang trên đường về nhà, ra đến giữa hồ trời bỗng nổi gió to, đẩy bè nghiêng một bên, em cùng các bạn bị xô về một phía.
Đêm trước mưa to, chiếc bè ván trở nên trơn trượt, vậy nên dù đã cố sức trụ lại song cuối cùng tất cả người trên bè đều trôi tuột xuống nước. Cả đám trẻ kêu cứu thất thanh nhưng đáp lại chỉ là tiếng vọng của chúng, bốn bề vắng ngắt chẳng một bóng người…
Hàng chục học sinh bon Đăk RMoan vẫn ngày ngày vô tư đến trường bằng chiếc bè tạm bợ mà không biết nguy hiểm đang rình rập. |
“Cũng may có mấy anh lớp lớn biết bơi, kéo chúng em lại bè rồi cứ thế bám vào nhau dìu dần vào bờ”- giọng Uyên chưa hết bàng hoàng.
Sau lần thoát chết ấy, chỉ cần đến gần bờ hồ, chân Uyên như có tảng đá to buộc vào nhấc không nổi nữa. Đã đôi lần Uyên muốn vứt sách theo bố mẹ lên rẫy. Nhưng rồi Uyên đắn đo, bao nhiêu bạn vẫn đi đó có sao đâu? Mà phía bên kia, chỉ còn cách một hơi chạy nữa thôi, có rất nhiều điều mới mẻ đang đón chờ… Thế là Uyên lại “nhắm mắt” xuống bè. “Sợ lắm, nhưng em muốn đến trường”- Uyên nói.
Hồi học lớp 1, từ nhà Uyên đến trường chỉ bằng thời gian ăn hết bữa cơm. Từ bữa bị lòng hồ Thủy điện Đăk RTih chặn đường, Uyên phải dậy từ 4 giờ sáng để đi học nhưng hôm nào cũng muộn. Mấy bữa đầu, lũ trẻ còn cố, nhưng rồi đôi chân cứ mỗi ngày nặng hơn, cuối cùng Uyên cùng nhiều bạn trong bon nghỉ học. Nếu bố mẹ không “sản xuất” chiếc bè có lẽ Uyên cũng như nhiều học sinh khác trong bon phải vĩnh viễn từ bỏ giấc mơ đến trường.
Chiếc bè mà Uyên cùng các bạn đang dùng để đến trường, do chính bố mẹ các em “sáng chế” ra. Bè rộng chừng 10m2, được ghép bằng ván, bên dưới là 6 chiếc thùng phuy.
Để “chạy” được, người ta buộc một đầu sợi dây cước nhỏ hơn chiếc đũa vào dưới đáy bè. Sau đó, sợi dây này mắc vào 2 chiếc ròng rọc cố định buộc vào 2 bụi cây ở hai bên bờ hồ, rồi buộc đầu còn lại vào bè tạo thành một vòng khép kín. Muốn bè chạy, các em chỉ cần nắm sợi dây cước kéo ngược hướng muốn đến.
Có điều, do bên dưới là 6 cái phuy, lực cản quá lớn, nên những đứa trẻ như Uyên phải dùng hết sức mới “khởi động” được bè. Chỗ các em đi qua, tuy ngắn (khoảng 500m) nhưng mực nước có nơi sâu hơn 50m. Vất vả và vô cùng nguy hiểm nhưng dù sao vẫn đỡ hơn là phải vật lộn với 10km đường đèo dốc, lầy lội để đến trường.
Hôm chúng tôi ghé thăm, trên chiếc bè có khoảng gần 20 em đang chuẩn bị “vượt” hồ về nhà. Xung quanh lòng hồ, ngoài các em ra tuyệt nhiên không có một bóng người lớn. Thị An (lớp 3) kể: “Hôm nào cháu cũng kéo bè phồng rộp cả tay. Nó nặng lắm, chúng cháu phải cố hết sức mới đưa nó đi được.“Cháu không biết bơi, nhưng nếu có bị rớt xuống nước, cháu sẽ… bơi. Cháu rất sợ, nhưng bố mẹ bận lên rẫy không đưa cháu đi được”.
Cũng như Thị An, gần một nửa học sinh (lớn nhất mới học lớp 4) trên chiếc bè hôm ấy đều không biết bơi. Hỏi: “Các cháu có sợ không?”. Lũ trẻ nhao nhao: “Có ạ!”. “Sợ sao vẫn đi?”, “Vì chúng cháu rất muốn đến trường…”. Liền sau đó là tiếng nô đùa của bọn trẻ trên chiếc bè nhỏ xíu. Cái cách vô tư của chúng không khỏi làm người lớn đau lòng. Chúng đâu biết rằng mình đang đối diện với hiểm nguy đến mức nào.
Chỉ nhận được... lời hứa
Ở bon Đăk RMoan có hơn 80 học sinh theo học tại Trường Tiểu học Bế Văn Đàn. Ngoài một số em học cấp 2 được bố mẹ “đặc cách” cho đi xe máy, số còn lại đều phải đến trường bằng bè. Trước đây, nhà em nào xa lắm cũng chỉ cách trường khoảng 3km. Nhưng từ khi lòng hồ Thủy điện Đăk Rtih tích nước, lối đi này bị ngập, nên các em phải đi đường vòng xa hơn gấp 3-4 lần. Bởi thế mà phụ huynh các em đã nghĩ ra việc đóng bè cho các em đi học. Và chuyện này chính quyền cũng như nhà trường sẽ không biết nếu không xảy ra vụ “đắm bè” hồi cuối tháng 8 vừa rồi.
Sau tai nạn ấy, phụ huynh các em đã đến trường phản ánh. Lúc này, ông Bùi Ngọc Đương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, mới “tá hỏa”. Ngay sau khi “thị sát” các em kéo bè đến trường, một mặt ông Đương cho giáo viên trong trường đến từng nhà các em, căn dặn phụ huynh không được để các em đến trường trong những ngày mưa gió, vận động phụ huynh cử người giám sát việc các em đi- về. Mặt khác, ông Đương cấp tốc báo cáo tình hình lên cấp trên tìm hướng giải quyết, đồng thời, tổ chức ngay một cuộc họp với các giáo viên thống nhất phương án sẽ dạy bù cho học sinh.
Sau động thái tích cực này của nhà trường, UBND thị xã Gia Nghĩa đã có một vài chuyến vào thăm trường. Sự quan tâm ấy phần nào là nguồn động viên đối với học sinh cũng như nhà trường. Có điều sau những chuyến thăm ấy, điều mà các em nhận được cũng chỉ là những… lời hứa.
Phía lãnh đạo xã, ông Trần Đăng Tùng - Chủ tịch UBND xã Đăk RMoan, sau khi biết việc, cũng tỏ ra rất lo lắng. Song lực bất tòng tâm, ông Tùng ngỏ ý với Công ty cổ phần Thủy điện Đăk RTih (chủ đầu tư Công trình Thủy điện Đăk RTih) xin hỗ trợ áo phao, gia cố bè cho các em, đồng thời cũng nhiều lần báo cáo sự việc lên cấp trên.
Hôm chúng tôi đến làm việc, ông Tùng cho biết, phía thị xã vẫn chưa thấy có trả lời cụ thể. Còn phía Công ty cổ phần Thủy điện Đăk RTih cũng chỉ mới… hứa. Mãi cách đây vài hôm, ông Tùng mới gọi điện cho tôi, vui mừng thông báo: “Các em đã được cấp áo phao”. Nhưng đó vẫn chỉ là giải pháp tình thế.
Ông Tùng cho biết, người ta đang tính làm một chiếc cầu phao cho các em. Song “cách này không hiệu quả vì mực nước lòng hồ lên xuống thất thường, chẳng mấy chốc mà cầu phao đứt gãy. Một chiếc cầu treo xem ra đỡ tốn kém nhưng khá hiệu quả. Nó không chỉ dùng cho các em đến trường mà cũng rất cần thiết cho việc phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào MNông tại đây. “Vài tỷ đồng để cả ngàn con người có cuộc sống ổn định thì quá rẻ”- ông Tùng tính.
Duy Hậu