Ai dám tin là sức đề kháng của người dân xứ mình không bị xói mòn trong bối cảnh của cuộc sống căng thẳng, của môi trường ô nhiễm, của thực phẩm hầu như xa lạ với tiêu chí an toàn về vệ sinh? Có một điều chắc chắn, dị ứng không có tính tự động, cũng không có tính đại trà. Bằng chứng là trong cùng điều kiện sinh hoạt không hẳn ai cũng dị ứng như ai!
Rõ ràng là có người chai lì, có kẻ quá nhạy cảm tùy theo mức độ hoạt động chính xác của hệ miễn dịch. Bệnh biểu hiện từ dị ứng ngoài da, viêm mắt, viêm mũi dị ứng, hay sâu hơn như rối loạn tiêu hóa, phù mặt, hen suyễn, hoặc nghiêm trọng hơn nữa dưới dạng cơn cao huyết áp hay choáng phản vệ.
Cũng vì quá đa dạng nên đừng nói chi đến bệnh nhân, ngay cả thầy thuốc cũng có thể bị đánh lừa dễ dàng! Hậu quả là dị ứng vào nhà hồi nào không hay!
Đáng nói hơn nữa là nhiều người làm việc trong văn phòng sạch sẽ thoáng mát, nhiều người có đủ phương tiện bảo vệ sức khỏe vẫn khổ sở vì dị ứng không mời lại đến! May mắn cho người bệnh lẫn thầy thuốc vì theo kết quả nghiên cứu gần đây, món đứng hàng đầu trong các nguyên nhân sinh dị ứng lại vô hình. Đó chính là STRESS!
Gặp chất sinh dị ứng hữu hình như món ăn, hóa chất… tuy việc chữa bệnh có nhiêu khê, nhưng vẫn khả thi. Đằng này nếu thủ phạm lại chính là cuộc sống căng thẳng hàng ngày thì khỏi nói dông dài cũng biết tiền dễ mất nhưng tật vẫn mang. Một trong các nguyên tắc phòng tránh dị ứng là tránh mặt bệnh nguyên nhưng với stress bám sát trên lưng thì làm sao đây?
Đó cũng chính là lý do tại sao số nạn nhân dị ứng tăng nhanh đến thế! Đáng lo hơn nữa là thuốc chống dị ứng dùng trong trường hợp này không thể là giải pháp. Bằng chứng là nhiều thầy thuốc ở phương Tây phải khuyên bệnh nhân tập thiền trong trường hợp ngứa ngáy vì dị ứng với cuộc sống. Đáng nói hơn nữa là dị ứng có bao giờ chịu giậm chân tại chỗ. Mỗi lần dị ứng là một lần sức đề kháng bị xói mòn. Nhiều bệnh chứng nghiêm trọng khác chỉ chực chờ có thế để thừa nước đục thả câu.
Dị ứng là dấu hiệu báo động cho thấy trục trặc đâu đó trong khâu thần kinh – nội tiết – biến dưỡng. Chính vì thế mà cần gõ cửa thầy thuốc, càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, liệu thầy thuốc có giúp ích được gì trong trường hợp dị ứng do stress khi thầy thuốc cũng chính là nạn nhân (?!).
BS Lương Lễ Hoàng