PGS Kính cho biết, từ đầu mùa tới nay, trong 5.000 bệnh nhân đến viện khám vì sốt xuất huyết, số ca nhập viện là 873 trường hợp. Trong tổng số nhập viện thì 10% có sốc, 20% có dấu hiệu cảnh báo. Đối với số bệnh nhân quá tải, bệnh viện đã phải huy động giường của nhiều khoa phòng để tiếp nhận bệnh nhân. Đồng thời, BV cũng lọc bệnh nhân nhẹ và hướng dẫn họ điều trị ở nhà. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân lo lắng bệnh biến chứng, kiên quyết đòi nhập viện.
Theo PGS Kính, sốt xuất huyết nếu không có các dấu hiệu biến chứng, bệnh nặng thì hoàn toàn có thể điều trị tại nhà. Nếu bệnh nhân sốt đến ngày thứ 3, cơ thể xuất hiện nhiều vết xuất huyết, nôn, đi ngoài ra máu mới cần nhập viện. Các bác sĩ luôn khám kỹ, sàng lọc, chỉ bệnh nhân cần nhập viện mới cho nhập viện, sau điều trị 3-4 ngày sẽ chuyển xuống tuyến dưới.
Bệnh viện E quá tải bệnh nhân sốt xuyết huyết nên phải kê thêm giường phụ (Ảnh BSCC ngày 25.7)
Bệnh nhân B.T.L (29 tuổi, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) vào Bệnh viện E ngày 22.7 trong tình trạng sốt cao, xuất huyết dưới da, đau cơ khớp. Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Khai thác tiền sử mắc bệnh của bệnh nhân này thì được biết, cơ quan bệnh nhân đã có người mắc căn bệnh này.
Còn bệnh nhân N.T.N (41 tuổi, Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện ngày 24.7, trong tình trạng sốt cao kéo dài 5 ngày, đầu đau nhức, khớp xương nhức mỏi, hốc mắt đau… Các xét nghiệm của bệnh nhân dương tính với sốt xuất huyết degue. Theo bệnh nhân N, ở nhà có một người em cũng bị mắc sốt xuất huyết. Trước đây, bệnh nhân từng mắc bệnh nhưng không biết mắc sốt xuất huyết loại nào. Mọi người trong gia đình bệnh nhân chủ quan, không phòng ngừa muỗi đốt nên bị mắc bệnh.
Chiều 25.7, thông tin từ Bệnh viện E cho hay, toàn bộ nguồn lực của Khoa Bệnh nhiệt đới đã được huy động để điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Trong 2 tuần nay, mỗi ngày BV tiếp nhận hơn 80 bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám, trong đó 25-30 bệnh nhân nhập viện vì biến chứng nặng.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hạnh – Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới (BV E), cách đây 3 tháng đã có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện, nhưng mấy ngày gần đây số bệnh nhân gia tăng. Cao điểm ngày 24.7, người mắc sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới lên đến 80 người. Đối với những bệnh nhân đã được điều trị ổn định, các bác sĩ cho xuất viện.
Tất cả các bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới (BV E) đã được huy động để điều trị và chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết (Ảnh: BSCC)
Rạng sáng 25.7, lại có thêm 25 bệnh nhân mắc mới phải nhập viện điều trị. Theo BS Hạnh, tính đến nay, khoa đang theo dõi và điều trị cho 66 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Mặc dù số lượng bệnh nhân đông nhưng bệnh viện chủ động phòng chống dịch, kê thêm giường xếp cho bệnh nhân tại các phòng bệnh, hạn chế tình trạng bệnh nhân nằm ghép. So với những đợt dịch của các năm trước, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết năm nay có thể tăng gấp 2-3 lần với nhiều biến chứng nặng.
Qua điều trị thực tế, các bác sĩ ở Khoa Bệnh nhiệt đới gặp các tình trạng biến chứng của bệnh nhân sốt xuất huyết như ho ra máu, xuất huyết âm đạo trước chu kỳ, đi ngoài phân đen, men gan tăng cao (phụ thuộc vào thể sốt xuất huyết nặng hay nhẹ)… Vì thế, trước những diễn biến khó lường của bệnh sốt xuất huyết, BS Hạnh khuyến cáo, mọi người nếu thấy sốt cao đột ngột phải vào viện ngay. Bởi phát hiện sớm sẽ có cơ hội điều trị dự phòng, giảm nguy cơ xuất huyết do bệnh diễn biến rất nhanh, khi bị xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa…
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 58.246 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 17 trường hợp tử vong. Số mắc tăng 9,7% so với cùng kỳ của năm 2016. Riêng tại Hà Nội, tính đến thời điểm này có tới 6.699 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, tính theo số mắc tuyệt đối, Hà Nội đứng thứ 3 cả nước, sau TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Trong đó, lứa tuổi mắc sốt xuất huyết chủ yếu từ 15- 35 tuổi. |