Cựu bí thư Trùng Khánh Tôn Chính Tài. Ảnh: Reuters.
Hãng thông tấn Xinhua hôm qua đưa tin Tôn Chính Tài, cựu bí thư Trùng Khánh, đang bị điều tra với cáo buộc "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng", thuật ngữ thường được đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng đối với các trường hợp tham nhũng. Các chuyên gia cho rằng cuộc điều tra này sẽ là dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của Tôn, người từng được coi là ứng viên kế nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình, theo NYTimes.
Tôn Chính Tài sinh năm 1963 ở tỉnh Sơn Đông, tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Lai Dương. Sau khi lấy bằng tiến sĩ nông nghiệp tại Đại học Nông nghiệp Bắc Kinh, Tôn Chính Tài bắt đầu dấn thân vào chính trị khi đảm nhiệm chức chủ tịch huyện Thuận Nghĩa ở Bắc Kinh vào năm 1997.
Trở thành ủy viên thường vụ thành phố Bắc Kinh năm 2002, Tôn làm việc dưới quyền bí thư thành ủy Lưu Kỳ. Lưu Kỳ trong thời gian này có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Vương Kỳ Sơn, thị trưởng Bắc Kinh, người sau này được ông Tập bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.
Tôn Chính Tài được Thủ tướng Ôn Gia Bảo bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nông nghiệp vào cuối năm 2006 ở tuổi 43. Chỉ ba năm sau, Tôn được đề bạt làm bí thư tỉnh ủy Cát Lâm.
"Ngôi sao" Tôn Chính Tài bắt đầu vụt sáng trên bầu trời chính trị Trung Quốc khi được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị trẻ nhất trong đại hội 18 đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012. Cùng với bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa, Tôn Chính Tài từng được quy hoạch trở thành thế hệ lãnh đạo tiếp sau Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông được điều về Trùng Khánh vào năm 2012, khi thành phố này vừa trải qua cơn "địa chấn" Bạc Hy Lai, cựu bí thư bị bắt và kết án chung thân vì hành vi tham nhũng và lạm quyền.
Chiếc ghế bí thư thành ủy Trùng Khánh được coi là một cơ hội rất tốt cho sự nghiệp của Tôn Chính Tài, có thể giúp ông trở thành một trong bảy ủy viên Thường vụ Bộ chính trị trong đại hội 19 diễn ra vào cuối năm nay, làm nền tảng cho những vị trí cao nhất trong giới lãnh đạo Trung Quốc.
Nhưng Trùng Khánh cũng là "miền đất dữ" không chỉ chôn vùi sự nghiệp của Bạc Hy Lai. Hồi đầu năm, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương bất ngờ cử một đoàn công tác đến thành phố này để "thanh tra toàn diện". Kết quả thanh tra được công bố hồi tháng hai cho rằng Trùng Khánh đã không nỗ lực hết mình để xóa bỏ các "tàn dư độc hại" của Bạc Hy Lai, cũng như không nghiên cứu đầy đủ các bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Bạc Hy Lai (giữa) lĩnh án chung thân vì tham nhũng và lạm quyền. Ảnh: SCMP.
Đến ngày 15/7, chỉ 5 ngày sau khi công khai tuyên bố trung thành tuyệt đối với Chủ tịch Tập, Tôn Chính Tài bị cách chức, thay thế ông là Trần Mẫn Nhĩ, một trong những thân tín từng gắn bó nhiều năm với ông Tập ở Chiết Giang.
Trong thời gian này, Tôn Chính Tài đang dự Hội thảo Tài chính Quốc gia lần thứ 5 tổ chức ở Bắc Kinh từ 14 đến 15/7. Tuy nhiên bản tin của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) về sự kiện này không có bất cứ hình ảnh nào của ông Tôn. Các bản tin trên truyền thông nhà nước Trung Quốc liên quan đến Trùng Khánh cũng không nhắc tới ông này, theo Channel News Asia.
Theo các nhà quan sát, nếu các điều tra viên phát hiện những vi phạm của Tôn Chính Tài và chuyển cho cơ quan tư pháp để truy tố, cựu bí thư Trùng Khánh có thể sẽ đối mặt với án tù. Nếu vượt qua được cuộc điều tra, ông nhiều khả năng chỉ được đảm nhiệm một vị trí nhỏ hoặc lặng lẽ nghỉ hưu. Vị trí ủy viên Bộ Chính trị của ông rất có thể sẽ được lấp chỗ trống bởi Trần Mẫn Nhĩ, quan chức "thăng tiến như tên lửa" dưới thời ông Tập.
Các chuyên gia phân tích cho rằng cú ngã ngựa bất ngờ của ông Tôn chính là dấu hiệu cảnh báo cho thấy ông Tập sẽ lựa chọn người kế nhiệm theo nguyên tắc của riêng mình chứ không phải tuân thủ sự sắp đặt của người tiền nhiệm.
"Tôn Chính Tài là phát pháo hiệu để Chủ tịch Tập Cận Bình phát đi thông điệp tới toàn đảng", Wu Qiang, cựu giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nhận định. "Ông Tập đã phát tín hiệu rằng ông không bị ràng buộc bởi khuôn mẫu đề bạt mà các lãnh đạo tiền nhiệm đã đưa ra".
Susan L. Shirk, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc Thế kỷ 21 thuộc Đại học California, Mỹ, cho rằng quyết định cách chức Tôn Chính Tài là một nỗ lực nhằm củng cố quyền lực của ông Tập, đồng thời là một động thái phá bỏ quy tắc đề bạt cán bộ đã được những người tiền nhiệm hoạch định.
"Việc Tôn Chính Tài mất chức thực sự là một chỉ dấu cho thấy những quy tắc bất thành văn về quá trình kế nhiệm lãnh đạo đã không còn", bà Shirk viết.
Joseph Fewsmith, giáo sư nghiên cứu chính trị Trung Quốc tại Đại học Boston, cho rằng "Trần Mẫn Nhĩ có vẻ như là người được ông Tập trông đợi hơn".