Ngày hôm qua, theo dõi trên báo điện tử Dân Việt, tôi biết tới thông tin ông chủ trang trại lợn là Tô Hiến Thành (thông Danh Thượng 2, xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) có tâm thư gửi Bộ trưởng NNPTNT và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước với lý do doanh thu của ông đạt tới 13 tỷ đồng, lãi tới 3 tỷ đồng/năm nhưng không làm sao vay được vốn của ngân hàng mà phải tìm tới tín dụng đen.
Đọc những dòng chia sẻ của nông dân Thành, chủ trang trại lợn hữu cơ đầu tiên ở Bắc Giang, tôi cảm thấy chua xót.
Ông Tô Hiến Thành tắm cho đàn lợn tại trang trại của đơn vị ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Ảnh: Trần Quang
Chua xót vì thực tế ấy đã diễn ra nhiều năm nay ở nhiều tỉnh thành với nhiều nông dân không thể tiếp cận được đồng vốn ngân hàng dù Đảng, Nhà nước đã có chính sách rất rõ ràng.
Chỉ có điều không phải nông dân nào cũng đủ “dũng cảm” để viết tâm thư gửi tới những người có trách nhiệm.
Vì sao người nông dân muốn phát triển, muốn mở rộng sản xuất, muốn tăng thêm sản phẩm tiêu dùng cho xã hội mà lại khó vay vốn đến thế?
Trong khi có những ngành không hề tạo ra của cải và giá trị thực cho xã hôi nhưng mức độ sinh lời lại cao thì dễ dàng vay được vốn?
Tình trạng các hộ nông dân, chủ trang trại, thậm chí các doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận, không vay được vốn tín dụng, ngân hàng...phải đi vay “nóng” bên ngoài lãi với lãi suất “cắt cổ” là chuyện “thường ngày ở huyện”, mọi người ai cũng biết.
Tôi cũng có người em đầu tư trang trại chăn nuôi ở Thanh Sơn - Phú Thọ, nuôi 1.500 lợn nái bố mẹ, đầu tư xây dựng mặt bằng và chuồng trại hết trên 30 tỷ (san lấp đồi làm đường vào trang trại, kéo điện từ Hòa Bình sang, xây dựng chuồng trại, xây dựng hệ thống cấp nước, hệ thống xử lý chất thải...), chưa kể lợn giống, thức ăn chăn nuôi, anh cũng không vay ngân hàng được đồng nào. Nhà cửa, ô tô thì đã cầm cắm hết cả, cho “tín dụng đen” với lãi suất hàng chục %.
Phần đa những doanh nhân, nông dân đầu tư vào nông nghiệp đều khởi phát từ tâm huyết và khát vọng với ngành này. Ảnh: Ngọc Thọ
Đã 45 năm gắn bó với nông nghiệp và nông dân, tôi quá hiểu những trường hợp bất đắc dĩ phải viết tâm thư như nông dân Tô Hiến Thành.
Dù chúng ta có đủ chủ trương và chính sách về tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhưng những chính sách đó lại chưa có hiệu quả thực sự vào cuộc sống bởi quy định còn quá cứng nhắc.
Ngày 9.6.2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP.
Theo đó, điểm mấu chốt là Nghị định 55/2015/NĐ-CP đã nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, chủ trang trại, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã... lên từ 1,5 đến 2 lần so với quy định tại Nghị định 41/2010/NĐ-CP .
Nếu như Nghị định 41/2010/NĐ-CP chia làm 3 mức: Tối đa 50 triệu đồng với cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; tối đa 200 triệu đồng với các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn; tối đa 500 triệu đồng với hợp tác xã, chủ trang trại.
Nghị định 55/2015/NĐ-CP đã chia thành 8 mức: Tối đa 50 triệu đồng với cá nhân, hộ gia đình ở ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; Tối đa 100 triệu đồng với cá nhân, hộ gia đình ở tại địa bàn nông thôn; cá nhân và hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có tham gia liên kết với hợp tác xã hoặc doanh nghiệp; Tối đa 200 triệu đồng trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm; Tối đa 300 triệu đồng với tổ hợp tác và hộ kinh doanh; Tối đa 500 triệu đồng với hộ nuôi trồng thủy sản, hộ khai thác hải sản xa bờ có ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tổ chức chế biến và xuất khẩu trực tiếp; Tối đa 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; Tối đa 2 tỷ đồng với hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ; các chủ trang trại nuôi trồng thủy sản; Tối đa 3 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ.
Thế nhưng, thực tế, một trang trại chăn nuôi lợn, như trường hợp của nông dân Tô Hiến Thành, trung bình đầu tư từ 13 - 15 tỷ đồng (san lấp mặt bằng, xây dựng chuồng trại, mua thiết bị chăn nuôi, vốn giống...), chưa kể tiền thức ăn hàng tháng lên đến cả tỷ đồng thì hạn mức như trên liệu có nghĩa lý gì?
Tương tự, để ngư dân đóng những chiếc tàu xa bờ hàng chục tỷ đồng, 1-2 tỷ đồng giải quyết được bao nhiêu?
Trang trại nuôi 1.800 lợn thịt của anh Nguyễn Văn Tuất (xã Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội) cũng gặp khó khăn về vay vốn đầu tư sản xuất.
Tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” vừa qua, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn chiếm tỷ trọng khoảng 19% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Thế nhưng, con số mà tôi có được là 63% hộ nông dân có vay vốn thì vẫn phải vay từ các nguồn phi chính thức như họ hàng, bạn bè và thậm chí là tín dụng đen.
Vậy nguyên nhân vì sao các hộ nông dân, chủ trang trại khó tiếp cận vốn ngân hàng đến vậy?
Theo tôi, ngyên nhân chính yếu là do thủ tục còn rườm rà, phiền hà, khiến người dân ngại tiếp xúc.
Muốn vay vốn ngân hàng nông dân phải lập dự án sản xuất, kinh doanh và sử dụng đồng vốn đúng mục đích (như mua sắm cái gì, thời gian trả nợ ra sao)... Trong khi đó nông dân không quen với thủ tục.
Nguyên nhân thứ hai là tài sản thế chấp. Đây là điểm mấu chốt, gây khó khăn nhất cho các chủ trang trại nông nghiệp, nông dân hiện nay. Hầu hết nông dân phát triển sản xuất, mở trang trại từ nguồn đất hoang hóa, bãi ven sông, đồi núi, đất chưa sử dụng của chính quyền địa phương...nên không được cấp sổ đỏ, trong khi đó các ngân hàng đòi phải có sổ đỏ thế chấp mới cho vay thì khác nào đánh đố nông dân.
Nguyên nhân tiếp theo là hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều khó khăn do còn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên; thị trường đầu ra thường xuyên biến động… nói chung có rủi ro nên ngân hàng e ngại khi cho nông dân vay vốn.
Do vậy, theo tôi, thời gian tới, để nông dân tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng và mức vay vốn có ý nghĩa hơn thì hạn mức cho vay cần nhiều hơn, tốt nhất bằng 1/2 giá trị tài sản hiện có (đất đai,chuồng trại...). Chu kỳ cho vay cũng dài hơn từ 7 - 10 năm, thậm chí 30 năm để nông dân, đặc biệt chủ trang trại yên tâm đầu tư lâu dài do thời gian thu hồi vốn trong nông nghiệp rất lâu.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc thực sự chứ không chỉ là lời nói để tháo gỡ về cấp sổ đỏ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân.
Đây là vấn đề “khó nói” nhưng đang ách tắc lớn hiện nay ở nông thôn nhiều năm chưa được giải quyết. Những trang trại ở xa dân cư cần cấp chứng nhận quyền sử dụng đất 50 năm. Làm được điều này không những giải quyết khó khăn cho nông dân mà còn tránh cả được những tranh chấp, mâu thuẫn.
Chỉ có như thế mới tháo gỡ được nút thắt “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” để những người nông dân thực sự là những ông chủ, công nhân nông nghiệp công nghệ cao trên những cánh đồng.